Hình minh họa.
Nam bệnh nhân L.V.T (19 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết: Bệnh nhân có tiếp xúc với kiến ba khoang 3 ngày trước, nhưng do chủ quan trước đó đã bị một lần, nên bệnh nhân lấy thuốc cũ để bôi vào vết thương. Đến khi tổn thương trợt loét da, quá đau thì bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám.
Một trường hợp khác là bệnh nhi N.T.N.M (7 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội). Theo gia đình, 2 ngày trước khi đi khám, bệnh nhi xuất hiện rát đỏ ranh giới rõ tại vùng da trên khuỷu tay phải sau khi ngủ dậy.
Tổn thương sau đó nhanh chóng lan ra xung quanh, đồng thời xuất hiện thêm nhiều mụn mủ và tổn thương tương tự vị trí đối diện trên vùng da dưới khuỷu tay. Bệnh nhi có dấu hiệu trợt loét hoại tử ở trung tâm tổn thương, đau rát nhiều nên gia đình đã đưa đi khám.
Sau khi khám, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị kiến ba khoang cắn. Ảnh: Trà My
Theo ghi nhận của bệnh viện, từ tháng 6 đến tháng 9 có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng nói chung đến khám, trong đó tiếp xúc với kiến ba khoang chiếm gần 1 nửa.
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tùy từng bệnh nhân sẽ có những tình trạng khác nhau, có bệnh nhân tổn thương giới hạn ít, có những bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào gãi. Đặc biệt có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.
"Rất nhiều bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà lại đi ra những phòng khám bên ngoài, thậm chí chỉ ra quầy thuốc mua thuốc uống và bôi. Đa phần bệnh nhân sẽ chẩn đoán nhầm với Zona, cho bôi và uống Acyclovir, làm cho tổn thương lan rộng nhiều. Có nhiều bệnh nhân không biết lại chà xát, cào gãi làm tổn thương ngày càng lan rộng, do chất dịch vết thương chảy ra đến đâu thì sẽ lan ra đến đó. Đặc biệt có những trường hợp rất nặng như ở vùng đuôi mắt chẳng hạn, hoặc sưng nề đến mức nổi hạch" - bác sĩ Thùy chia sẻ.
Cá biệt hơn, có những bệnh nhân chủ động bắt kiến ba khoang với hi vọng chữa được bệnh nấm da. "Tôi đã điều trị rất nhiều những trường hợp nghe theo các bài thuốc dân gian truyền miệng. Họ bắt rất nhiều kiến khoang, nghiền ra và đắp vào tổn thương vì nghĩ là sẽ khỏi nấm. Thường những trường hợp này đa phần ở nam có nấm ở vùng bẹn. Nhưng toàn bộ vùng đùi, vùng sinh dục của bệnh nhân bị trợt loét rất nhiều, có những bệnh nhân đau, rát, sốt và nhiễm khuẩn máu. Đấy là điển hình cho việc độc tố của kiến ba khoang rất mạnh" - bác sĩ Thùy cảnh báo.
Theo bác sĩ Thùy, tùy diện tích tổn thương và mức độ tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, một số tổn thương ít có thể tự lành được. Nhưng nếu không biết mà chà xát, hoặc chăm sóc không đúng cách thì vết thâm để lại trên vùng da tổn thương sẽ khá lâu, thậm chí là loét sâu.
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết.
Không được để dịch tiết của kiến ba khoang dây ra người. Nếu đã nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến ba khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.
"Nếu chẳng may tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang rồi thì phải rửa ngay, trung hòa bằng xà phòng, nước muối hoặc cồn 70 độ, bôi thuốc làm dịu da ví dụ như kẽm. Sau đó đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách" - bác sĩ Thùy khuyến cáo.
Theo P.V/VTV