Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết: Rau ngải cứu còn được gọi là ngải diệp. Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, đi vào kinh tỳ, can, thận.
Ngoài làm rau ăn, ngải cứu có thể được sử dụng để điều trị cảm cúm, ho do lạnh, trị mụn trứng cá, tăng cường sức khỏe cho cơ thể, giúp an thai. Đặc biệt, ngải cứu là loại rau rất tốt để thúc đẩy tuần hoàn máu, điều hoà kinh nguỵệt cho chị em phụ nữ.
Ngải cứu dùng để ngâm chân cũng rất hiệu quả. Ngâm chân bằng ngải cứu khô trước khi đi ngủ, sau một thời gian cơ thể sẽ có nhiều tiến triển rất rõ rệt.
Theo Y học Trung Quốc, bàn chân chính là nền tàng của sức khỏe, được ví như "bộ não thứ hai" của con người. Nếu giữ thói quen ngâm chân bằng ngải cứu khô vào buổi tối, bạn sẽ giải tỏa mệt mỏi, thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn.
Cụ thể như sau:
1 tuần ngâm chân bằng lá ngải cứu, cơ thể sẽ thay đổi ngoạn mục thế nào?
1. Chữa nấm da chân
Lá ngải cứu tính ấm, ngâm chân bằng lá ngải cứu có tác dụng giảm ẩm, giảm ngứa, tê phù. Bệnh nhân bị nấm da chân có thể phơi khô lá ngải cứu, sau đó đun lá ngải cứu để ngâm chân, sau một thời gian sẽ làm giảm nấm và giảm ngứa.
2. Giảm mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ
Ngâm chân bằng lá ngải cứu là một phương pháp trị bệnh thông dụng. Giúp giảm stress, chữa chóng mặt, giảm mệt mỏi, chữa tổn thương khớp, ngăn ngừa bệnh tim... từ đó tuổi thọ sẽ được tăng cường.
Nếu vừa ngâm chân vừa kết hợp massage chân sẽ giúp mạch máu lưu thông hiệu quả hơn. Từ đó, các huyệt dưới chân sẽ được tác động và làm cơ thể cũng như bộ não được thư giãn. Lặp đi lặp lại hàng ngày và chứng mất ngủ cũng từ đó mà biến mất.
3. Khử mùi hôi chân
Ngoài đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái thì ngâm chân bằng lá ngải cứu cũng có thể giúp bạn giải quyết mùi hôi chân. Thậm chí, các bệnh thường xuất hiện vào mùa đông như nứt chân, mồ hôi chân nhiều, tê chân… cũng được giải quyết triệt để.
4. Điều hòa kinh nguyệt
Lá ngải cứu có chức năng rất tốt là thúc đẩy tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, làm ấm tử cung từ đó tử cung được nuôi dưỡng tốt và điều hòa kinh nguyệt.
Ngoài ngâm chân, chị em cũng có thể ăn canh ngải cứu nấu thịt nạc để trị chứng kinh nguyệt không đều. Cách làm vô cùng đơn giản: Chỉ cần lấy thịt lợn nạc băm nhỏ, đem tẩm ướp gia vị tùy thích rồi xào qua, nêm nước, đun sôi, sau đó cho rau ngải cứu vào đun sôi. Tắt bếp, nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng, ăn với cơm khi còn nóng.
5. Hỗ trợ lưu thông máu, giảm đau nhức cơ thể
Chỉ cần nấu nước lá ngải cứu đem ngâm chân hoặc ngâm mình. Đều đặn làm như vậy có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.
Lưu ý khi ngâm chân bằng lá ngải cứu
- Mặc dù ngâm chân bằng nước lá ngải cứu rất tốt nhưng tránh ngâm chân khi bụng đói hoặc sau khi ăn.
- Không nên ngâm chân quá lâu. Chỉ nên trong khoảng 15-30 phút.
- Nhiệt độ nước nên giữ ở khoảng 45 độ.
- Tác dụng phụ của ngải cứu là dễ đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, thậm chí gây ra triệu chứng tức ngực, đánh trống ngực, một khi có triệu chứng này thì phải lập tức ngừng ngâm chân.
- Bà bầu, trẻ em không được dùng ngải cứu ngâm chân.
Theo Phụ Nữ Việt Nam