Quá thiếu thốn
Được coi là nơi nhiều vi trùng, vi khuẩn, dễ xảy ra hiện tượng nhiễm khuẩn do vậy công tác vệ sinh phải tuyệt đối được coi trọng, song tình trạng nhà vệ sinh sinh 3 không (không có nước, không có giấy vệ sinh, không có bồn rửa tay) diễn ra khá phổ biến tại nhiều bệnh viện.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân- Vũ Hữu- Hà Nội cho biết, khi cho con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh, trong khi chờ kết quả xét nghiệm máu, chị có vào nhà vệ sinh bệnh viện ở khu vực đó để đi vệ sinh. Ấn tượng đầu tiên khi chị bước vào nhà vệ sinh là mùi hôi, tanh bốc ra. Sau khi cố nín thở để làm cho xong nhiệm vụ, chị tìm đến bồn rửa tay thì ôi thôi, bồn rửa thì có, nước thì không. Chị đành ra khu vực bán đồ gia dụng mua giấy ướt để lau tay.
|
Tại nhiều cơ sở y tế, nhà vệ sinh bệnh viện luôn là nỗi ám ảnh. (Trong ảnh là nhà vệ sinh tại BV K). Ảnh: DN. |
Với nhiều bệnh viện, thông tin phản ánh của bệnh nhân về việc bồn rửa tay không có nước sẽ được giải thích đó chỉ là hiện tượng tạm thời, không phải thường xuyên, song việc bồn rửa tay không có nước rửa tay, xà phòng rửa tay thì có lẽ ít nơi dám phản bác lại là đó có lẽ là việc "thường ngày ở huyện" tại các cơ sở y tế. Qua quan sát của phóng viên tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương... hầu hết tại các
khu vệ sinh ngoài bồn rửa tay cáu bẩn, tuyệt nhiên không có xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh.
Có mặt tại nhà D, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện K- Quán Sứ, vào thời điểm 11 giờ 30 (giờ được phép thăm nuôi bệnh nhân), trong thời tiết mùa hè oi bức, nóng nực khiến người khỏe còn khó chịu chứ không phải những người ốm, nhưng càng khó chịu hơn khi phải ngửi mùi hôi thối, xú uế bốc ra từ các khu nhà vệ sinh ở đây. Một số bệnh nhân khi được hỏi đều cho rằng, đã điều trị tại Bệnh viện K, cơ hội chỉ là kéo dài sự sống thêm một thời gian, do vậy có lẽ đây được coi là nơi họ sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời, chưa nói tới chuyện bệnh tật đau đớn hành hạ mà hàng ngày phải chịu đựng không khí nóng bức, chặt chội cùng mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra từ khu vực vệ sinh khiến cho nhiều người cảm thấy nỗi đau dường như tăng lên.
Rời khỏi khu vực nhà vệ sinh của Bệnh viện K, ghé thăm Bệnh viện Việt Đức, tình trạng cũng không cải thiện là bao. Tại khu nhà vệ sinh của nhà C và nhà A bệnh viện này luôn nằm trong tình trạng mất vệ sinh trầm trọng. Tại dãy nhà C, cả 4 tầng đều có nhà vệ sinh thì có đến 3 tầng nhà vệ sinh quá bẩn. Với tình trạng mất vệ sinh trầm trọng như vậy, nhiều bệnh nhân cho biết họ không dám đi vệ sinh ở khu vệ sinh của bệnh viện mà phải đi vào các dụng cụ tại chỗ như bô, chậu rồi nhờ người nhà mang đi đổ.
Bao giờ hết bẩn?
Theo các chuyên gia y tế, việc các bệnh viện để tình trạng nhà vệ sinh bẩn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, trong đó nguy cơ nặng nhất là người bệnh, người nhà bệnh nhân thậm chí cả y, bác sĩ cũng có thể bị nhiễm bệnh. Từ đó, dẫn đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng thời gian điều trị cho người bệnh, tăng chi phí… ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh viện.
Tuy nhiên báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy, trong số 251 bệnh viện đã được chấm điểm theo tiêu chí chất lượng BV (thang điểm 100) có 61 bệnh viện đạt 95 điểm trở lên, 180 bệnh viện đạt từ 74-94 điểm và chỉ có 10 bệnh viện có số điểm dưới 65. Tuy nhiên, đối với tiêu chí nhà vệ sinh thì chỉ có 5,2% bệnh viện đạt tiêu chí "có đủ tải lau nhà" ở các khu vực khác nhau riêng biệt (khu vực sạch và bẩn). Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là vấn nạn đang khiến các cơ sở y tế đau đầu giải quyết, bởi nhiễm khuẩn bệnh viện có thể biến bệnh nhẹ thành bệnh nặng.
Lý giải về tình trạng nhà vệ sinh chưa đảm bảo yêu cầu, ông Dương Đức Hùng- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong nhiều thời điểm trong ngày, số lượng bệnh nhân gấp hàng chục lần khả năng đáp ứng của bệnh viện. Khu vệ sinh được xây dựng chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của 20- 30 bệnh nhân nhưng mỗi người bệnh lại có thêm 2-3 thân nhân đi theo phục vụ. Tình trạng quá tải cộng với việc xây dựng cả trăm năm khiến bệnh viện xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
"Do vậy thời gian tới để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh bệnh viện của bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ phải xây dựng 5 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên hiện vấn đề khó khăn là lấy kinh phí ở đâu để duy trì các nhà vệ sinh đó. Nhà nước đã cho phép xã hội hóa máy móc, thiết bị y tế thì cũng có thể xã hội hóa nhà vệ sinh, cho phép thu phí để duy trì nhân công, cung cấp nước, xà phòng rửa tay... cho các khu vệ sinh công cộng trong bệnh viện”, ông Dương Đức Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Cục Y tế môi trường- Bộ Y tế nhận định, muốn chấm dứt tình trạng hôi tanh của nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ Y tế cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế, trong đó quy rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế để đảm bảo tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn này.
Vẫn biết rằng hiện tượng quá tải bệnh viện trầm trọng xảy ra ở một số bệnh viện tuyến trung ương khiến cho chất lượng khám chữa bệnh chưa được như kỳ vọng, song người bệnh vẫn luôn hy vọng rằng, trong thời gian tới, nhà vệ sinh tại các bệnh viện sẽ được lãnh đạo các cơ sở quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xóa bỏ đi nỗi ám ảnh của mỗi người bệnh về nhà vệ sinh bệnh viện.
Theo Hải quan Online