Sốc phản vệ độ 3 sau khi ăn tôm
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn tôm.
Đó là trường hợp của bệnh nhân N.T.T. 30 tuổi, (Tây Ninh) vừa được một bệnh viện tư nhân tiếp nhận, cấp cứu. Theo bệnh sử, trước khi vào viện, bệnh nhân dùng bữa với món tôm và hải sản. Người bệnh có tiền sử từng dị ứng với hải sản đặc biệt là tôm nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng ăn ít nguy cơ đối với sức khỏe sẽ thấp.
Tuy nhiên, sau bữa với hải sản và tôm thì người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng dị ứng với các dấu hiệu ngứa da, nổi mề đay. Tình trạng bệnh tiếp tục diễn biến nặng khiến người bệnh phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
|
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử lý tình trạng sốc phản vệ theo phác đồ cứu người bệnh. Ảnh BVCC |
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ xác định bệnh nhân T. bị sốc phản vệ độ 3 – một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với biểu hiện khó thở, mạch nhanh, tụt huyết áp (huyết áp 50/30mmHg) và tổn thương đa cơ quan. Các bác sĩ lập tức xử trí sốc phản vệ theo phác đồ của theo của Bộ Y tế, gồm Adrenalin, dịch truyền và sử dụng các thuốc hỗ trợ khác.
Nhờ nhận biết chính xác đây là trường hợp sốc phản vệ nặng liên quan thức ăn và kinh nghiệm xử trí nhiều trường hợp sốc phản vệ nặng trước đó nên các bác sĩ đã nhanh chóng đưa ra được phương án xử lý phù hợp, giúp tình trạng nguy kịch của người bệnh nhanh chóng được kiểm soát. Sau khi sức khoẻ ổn định dần, bệnh nhân T. được chuyển đến khoa khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (ICU) để tiếp tục theo dõi chặt chẽ.
Sau 24 giờ theo dõi, và điều trị, tình trạng bệnh nhân hồi phục ổn định, không còn tình trạng sốc, da không còn nổi ban, bệnh nhân T. được chuyển lên khoa Nội Tổng Quát để tiếp tục điều trị các bệnh lý nội khoa kèm theo khác. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của anh đã ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
4 mức độ của sốc phản vệ
BS.CKII Nguyễn Tấn Phát – Trưởng khoa ICU, cho biết, Dị ứng là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân như thực phẩm, thuốc, hay côn trùng đốt. Các triệu chứng có thể từ nhẹ như ngứa da, nổi mề đay đến nặng như khó thở, sưng phù, tụt huyết áp, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó, Sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ, mỗi mức có đặc điểm nhận biết khác nhau:
Mức độ 1: Biểu hiện nhẹ như nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt.
Mức độ 2: Nặng hơn với các triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng hoặc tiêu chảy.
Mức độ 3: Rất nghiêm trọng, người bệnh tụt huyết áp và có nguy cơ trụy mạch.
Mức độ 4: Nguy hiểm nhất, người bệnh ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những dấu hiệu ban đầu của sốc phản vệ thường lặp đi lặp lại, trong đó một số biểu hiện có thể xuất hiện chỉ vài phút ngay sau khi người bệnh ăn phải những thức ăn hoặc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Một số triệu chứng thường xuất hiện cùng lúc như sưng nề, phát ban, nôn ói…
Tình trạng sốc phản vệ nặng hay nhẹ, diễn tiến nhanh hay không còn phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng người, số lượng, tốc độ hấp thu các chất lạ vào cơ thể và thời gian người bệnh được tiếp nhận xử lý, điều trị.
Tình trạng sốc phản vệ có thể diễn tiến nhanh chóng và đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, ngay khi có những biểu hiện của dị ứng, sốc phản vệ, đặc biệt những người đã có tiền sử dị ứng trước đó, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.
Làm thế nào để phòng ngừa sốc phản vệ do thức ăn?
Sốc phản vệ có thể xảy ra chỉ vài phút sau khi ăn nhưng đôi khi sẽ xuất hiện sau một vài giờ. Tuy nhiên, kể từ khi có các biểu hiện, triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ, tình trạng thường sẽ diễn tiến rất nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng vài phút đã đưa người bệnh vào trạng thái nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, để phòng ngừa sốc phản vệ do dị ứng thức ăn, cần lưu ý:
Những người đã có tiền sử dị ứng thức ăn, nên cảnh giác với thức ăn lạ. Có thể ăn thử một lượng nhỏ để thăm dò phản ứng của cơ thể. Sau 24 giờ, nếu cơ thể không có phản ứng bất thường thì mới nên tiếp tục ăn thức ăn này.
|
Hình ảnh tại khoa ICU. Ảnh BVCC |
Với những người đã có tiền sử dị ứng trước đó, thận trọng trong việc ăn các món ăn có khả năng chứa loại thức ăn làm mình dị ứng.
Luôn mang theo thuốc giải dị ứng. Sử dụng theo liều lượng, cách thức được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Đặc biệt, không chủ quan với các triệu chứng như nổi mề đay, sưng nề, ngứa, khó thở, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy hay những biểu hiện như đau đầu, tức ngực, chóng mặt, hạ huyết áp…sau khi ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Ngay khi có các triệu chứng này, đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Giang Thu/ Đời sống