Sốc phản vệ, suýt chết vì ăn trứng kiến: Chuyên gia khuyến cáo gì?

Google News

Gần đây, một thanh niên 20 tuổi sốc phản vệ sau khi ăn bánh trứng kiến. Trước đó, nhiều trường hợp cũng đã phải nhập viện vì món trứng kiến.

Sốc phản vệ, nhập viện sau ăn trứng kiến
Gần đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn trứng kiến. Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, khoảng 1 giờ sau khi ăn, T.T.H., 20 tuổi (ở Quảng Ninh), xuất hiện nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở, nôn và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ II. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ (tiêm adrenalin, truyền dịch…).
Soc phan ve, suyt chet vi an trung kien: Chuyen gia khuyen cao gi?
Ảnh minh họa: VTV. 
Trước đó, nhiều trường hợp cũng đã phải nhập viện vì món trứng kiến. 
Vào tháng 3/2021, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân N.H.Đ.T. (21 tuổi, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng da sẩn ngứa, nổi mẩn đỏ thành từng mảng, sưng nề quanh mắt.
Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhân bị dị ứng do ăn trứng kiến. Sau 1 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, da đỡ mẩn đỏ, đỡ ngứa, giảm phù nề vùng mặt và quanh mắt.
Tháng 4/2019, một phụ nữ 58 tuổi ở Quảng Ninh suýt mất mạng vì ăn trứng kiến.
Báo Công an Nhân dân dẫn thông tin từ người nhà cho biết, khoảng 1 tiếng trước khi vào viện, người bệnh có ăn trứng kiến, sau ăn nổi mẩn đỏ toàn thân, đau bụng và nôn. Ngay lập tức người bệnh được đưa đến bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để tiến hành cấp cứu... Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III.
Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ tiêm ADRENALIN, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch…
Chuyên gia khuyến cáo gì?
Nhiều người dân truyền tai nhau về tác dụng của trứng kiến với những công dụng khác nhau như làm chậm quá trình lão hóa da, giúp làn da trắng,...Tuy nhiên, chưa có bất kỳ công trình khoa học nào nghiên cứu về tính chất dược lý của trứng kiến.
Soc phan ve, suyt chet vi an trung kien: Chuyen gia khuyen cao gi?-Hinh-2
Ảnh: Sức khỏe và Đời sống. 
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, cho biết, hiện nay ở Việt Nam, người dân sử dụng kiến làm thực phẩm ở 2 dạng: Ăn và uống. Ăn trứng kiến và uống rượu ngâm trứng kiến.
Theo GS Bùi Công Hiển, đối với quan niệm coi trứng kiến là đặc sản, thực tế khoa học chưa chứng minh thành phần của loại thực phẩm này. Hơn nữa, trứng lại có những thành phần lạ, tuy là protein tốt nhưng người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin...
Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó có ở nơi ẩm thấp, rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Sử dụng trứng kiến này, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn có hại.
Do đó, tốt nhất là lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng khác, thân thuộc hơn, được khoa học chứng minh để cải thiện tình trạng sức khoẻ, tránh rủi ro bị dị ứng, thậm chí là ngộ độc, tử vong vì trứng kiến.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên ăn các đồ vật lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ, nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)