Sự thật sau lá thư chia tay khiến thiếu gia Hà thành gục ngã

Google News

“Năm đó, bé Trinh phát hiện mắc bệnh ung thư máu, nhưng nó giấu không cho ai biết. Con bé không muốn ai phải đau khổ…”, người mẹ xót xa.
 

Tình ảo mộng
Tám năm trước, chàng trai Trịnh Trung Dũng là sinh viên năm thứ 2 của một trường Đại học lớn ở Hà Nội. Do mải sa đà vào chơi bời với bạn xấu, Dũng bỏ bê học hành và bị nợ môn quá nhiều nên sau đó tự ý bỏ học, tối ngày lông bông khắp chốn đệ nhất ăn chơi. Trong lần vào một nhà hàng sang trọng, anh đã bị hút hồn bởi cô gái lễ tân nhỏ nhắn, dễ thương, đó là Trinh.
Trinh là sinh viên khoa tiếng Pháp của một trường Đại học, xin làm thêm tại nhà hàng vào các buổi tối. Xinh đẹp, giỏi ngoại ngữ và cư xử đúng mực nên cô được khách hàng và mọi người yêu mến. Biết Trinh là sinh viên giỏi, Dũng cũng phải nói dối mình đang là sinh viên Đại học, dù thực tế anh đã tự ý bỏ trường, bỏ lớp từ lâu. Dũng cũng giấu biệt thân phận “thiếu gia” của mình vì sợ nếu biết anh là con nhà giàu, nổi tiếng ăn chơi thì chắc chắn Trinh sẽ tránh xa anh vô điều kiện.
Dưới “vỏ bọc” một thanh niên nhà nghèo hiếu học, có chí hướng, Dũng đã “cưa đổ” được Trinh. Yêu Trinh, anh cũng đi làm thêm và sống tiết kiệm như một con nhà nông chính hiệu khiến bạn bè phải ngạc nhiên vì sự thay đổi đó. Nhưng làm sao giấu mãi được cây kim trong bọc? Rồi cũng đến ngày Trinh phát hiện ra con người thật của Dũng: một thiếu gia lang bạt kỳ hồ, bán trời không văn tự, tự ý bỏ học ở một trường đại học danh tiếng để thành kẻ lông bông. Nhưng Trinh không nói lời chia tay mà chỉ khuyên Dũng hãy tu chí học hành, kể cả Dũng có ra trường sau Trinh chục năm thì cô vẫn đợi. Dũng đã hứa chắc như đinh đóng cột là sẽ tiếp tục theo nghiệp sách đèn nhưng rồi anh vẫn cứ chứng nào tật ấy, không chịu chú tâm ôn luyện dù với năng lực của Dũng, chắc chắn quyết tâm thi là sẽ đỗ.
Su that sau la thu chia tay khien thieu gia Ha thanh guc nga
 Ảnh minh họa.
Có phải quá thất vọng về Dũng mà bẵng đi một thời gian, Trinh bỗng biến đi đâu mất hút, điện thoại và các phương tiện liên lạc khác đều không kết nối được. Sau đó, Trinh có gửi cho Dũng một bức thư ngắn, lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng như trăm ngàn mũi dao cứa vào lòng sĩ diện của anh. Trong thư có đoạn: “Anh ạ, gia đình em nghèo nhưng rất trọng học vấn. Vì vậy em không thể yêu một người không có công danh địa vị. Em muốn tìm một người đàn ông có bản lĩnh, có học thức để em có thể ngẩng mặt tự hào. Em thực sự xin lỗi.”
Lá thư chia tay ẩn chứa sự thật đau lòng
Biết chuyện anh bị bồ đá, bạn bè bảo đời thiếu gì đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang, lại chung thủy, xứng tầm với đẳng cấp của anh. Cha mẹ anh thì vốn dĩ không ưa “con bé nhà quê” đó nên bảo: “Đó là dịp tốt để con sáng mắt ra, rồi con sẽ chọn được người vợ đẹp, tử tế, trí thức hơn cả nó. Nhưng con phải có trình độ, có địa vị thì mới không bị người đời chê là trọc phú, con hiểu không?”
Lá thư chia tay của Trinh đã trở thành động lực để mùa hè năm đó, Dũng quyết tâm học ngoại ngữ để làm thủ tục đi du học, bỏ lại sau lưng mối tình dang dở. Rồi anh làm thạc sỹ, tiến sĩ với tấm bằng loại ưu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tám năm trôi vèo như gió thoảng. Nay anh đã công thành danh toại, nhiều tập đoàn lớn của nước sở tại muốn mời anh ở lại làm việc nhưng anh đã từ chối để trở về quê mẹ. Một trong những lý do anh muốn về quê chính là con tim vẫn đắm đuối nhớ thương Trinh.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, anh đã gửi nhiều email liên lạc với cô, vừa ngạo nghễ ngầm khoe “chiến tích” của mình, vừa mong níu kéo chút tình xưa. Hoặc nếu cô “ván đã đóng thuyền” thì sẽ phải ôm hận, tiếc nuối suốt đời vì sự lựa chọn sai lầm. Trong thâm tâm, anh vẫn mong có phép màu nào đó, rồi thì hai người “gương vỡ lại lành”. Tuy vậy, những dòng thư đi nhưng không hề có hồi âm, mọi thương nhớ cứ chìm vào yên lặng. Mối tình đầu bỗng thành hư ảo, xa lắc tầm tay, tưởng như nó chưa từng tồn tại, chưa từng làm anh hạnh phúc và đau đớn dằn vặt suốt gần chục năm trời.
Muốn nhận cha mẹ người yêu cũ làm cha mẹ nuôi?
Dịp tháng 8 vừa qua, tạm gác lại những công việc lu bu, Dũng quyết định dành thời gian để tìm về quê của người yêu cũ. Anh hồi hộp trước ngôi nhà gạch cũ kỹ ẩn mình dưới một giàn hoa giấy nở bừng bừng dưới nắng xuân. Mẹ cô gái ra mở cổng, vừa nghe anh giới thiệu, giọng bà thảng thốt rồi òa khóc. Trong làn hương trầm ngào ngạt, anh choáng váng khi bắt gặp đôi mắt trong veo và nụ cười mong manh như sương khói của Trinh trong tấm ảnh thờ. “Năm đó, bé Trinh phát hiện mắc bệnh ung thư máu, nhưng nó giấu không cho ai biết chuyện này. Con bé không muốn ai phải đau khổ, thương xót nó…” Bà mẹ khóc, nước mắt anh cũng đã rơi vì sự vô tâm, nông nổi của mình.
Bàn tay giá lạnh của bà mẹ run run trao cho anh bức thư cuối cùng mà Trinh đã viết cho anh trước khi vĩnh viễn đi xa. Bức thư viết rằng cô mãi yêu anh và luôn hy vọng anh sẽ trở thành một người thành đạt để ở chốn thiên đường, cô được tự hào về anh. Nước mắt anh đã rơi trên lá thư mỏng manh, kỷ vật cuối cùng của mối tình đầu. Khi anh ngước đôi mắt nhòa lệ nhìn lên bàn thờ, bắt gặp nụ cười hiền dịu của Trinh. Anh biết ở nơi thiên đường, cô đã vô cùng kiêu hãnh, tự hào vì anh đã công thành danh toại.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh nảy ý định sẽ nhận cha mẹ của Trinh làm cha mẹ nuôi để thay cô phụng dưỡng cha mẹ suốt đời. Tuy vậy, anh không rành về pháp luật nên rất băn khoăn không biết mình có được phép nhận cha mẹ của người yêu cũ làm cha mẹ nuôi hay không? Nếu được, anh phải làm những thủ tục pháp lý như thế nào?
Câu chuyện của anh Trịnh Trung Dũng khiến chúng tôi rất xúc động và liên tưởng tới những bộ phim diễm tình làm lay động lòng người. Chúng tôi rất đồng tình với nguyện vọng của anh về việc muốn nhận cha mẹ người yêu cũ làm cha mẹ nuôi để thay người yêu làm tròn trách nhiệm, bổn phận với các đấng sinh thành.
Tuy nhiên, Luật Nuôi con nuôi hiện hành không có quy định về việc con được nhận cha mẹ nuôi, mà chỉ có cha mẹ được nhận con nuôi. Vì mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định về người được nhận làm con nuôi là: “1. Trẻ em dưới 16 tuổi. 2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.” Như vậy, người đã trưởng thành như anh thì không thuộc đối tượng được nhận làm con nuôi mà Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh.
Mặc dù vậy, anh vẫn có quyền được nhận cha mẹ của người yêu cũ làm cha mẹ nuôi để phụng dưỡng suốt đời theo diện cha mẹ nuôi - con nuôi thực tế. Điều này là phù hợp với đạo đức và không trái pháp luật. Đây cũng là cách mà các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời những cụ già neo đơn hoặc đối tượng chính sách. Anh nên thuyết phục, vận động cha mẹ cô gái đồng ý theo phương án đó. Chúc anh sớm toại nguyện!
Theo Người Đưa Tin