Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển, vậy nên những ai trong diện có nguy cơ cao bị bệnh thận cần được thầy thuốc kiểm tra thường xuyên. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính chậm lại nhưng một số trường hợp chức năng thận vẫn diễn biến xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Nguyên nhân của bệnh thận:
Bệnh thận mạn tính (CKD) là một quá trình phát triển bệnh kéo dài và thường là chậm, trong đó thận suy giảm và mất dần chức năng. Thời kỳ đầu, người bệnh không thể phát hiện ra mình mắc bệnh thận mạn tính. Những dấu hiệu sớm của bệnh rất khó nhận biết, do đó rất khó để phát hiện các triệu chứng bệnh.
Việc chẩn đoán suy thận thường được thực hiện thông qua các xét nghiệm máu định lượng BUN, creatinin và độ lọc cầu thận (GFR). Xét nghiệm máu giúp ước tính lượng máu đi qua cầu thận mỗi phút. Cầu thận là những đơn vị lọc nhỏ nhất trong thận có chức năng loại bỏ chất thải khỏi máu.
Bệnh thận mạn tính (CKD) được chia thành 5 giai đoạn. Bệnh có thể tiến triển trong nhiều năm từ chức năng thận dưới bình thường (CKD giai đoạn 1) đến suy thận mạn tính (CKD giai đoạn 5). Dạng mạn tính của bệnh là tổn thương thận vĩnh viễn gây ra bởi các nguyên nhân, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, các loại nhiễm trùng mô thận khác nhau (viêm cầu thận) và lạm dụng một số loại thuốc có thể gây suy giảm chức năng thận trong thời gian dài.
Những thay đổi khi đi tiểu
Thận là một cơ quan bài tiết quan trọng của cơ thể, các chất thải được thải ra ngoài qua đường nước tiểu, nhưng khi thận có vấn đề chắc chắn sẽ có những thay đổi rõ ràng trong việc đi tiểu. Cụ thể người mắc bệnh suy thận sẽ:
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là tiểu đêm.
- Lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường.
- Nước tiểu có thể có bọt hay bong bóng.
- Người bệnh cảm thấy căng tức hay đi tiểu buốt.
- Đôi khi người bệnh đi tiểu thấy có lẫn máu trong nước tiểu…
Sưng/phù chân, tay
Khi thận suy giảm chức năng, không bài tiết kịp các chất độc, chất thải … sẽ khiến các chất độc này tích tụ lại ở các bộ phận khác, đặc biệt là các chi:
- Sự tích tụ biểu hiện rõ ở mặt, khiến người bệnh phù mặt như béo lên
- Hai chân sưng phù, đặc biệt là cổ chân, bàn chân
- Hai bên tay, bắt đầu từ khửu tay cũng bị sưng phù
Ngoài sưng phù, người bệnh còn xuất hiện tấy đỏ nhẹ…
Ngứa, phát ban ở da
Suy thận còn khiến người bệnh xuất hiện mụn nhọt, phát ban gây ngứa ngáy khó chịu trên da. Điều này xảy ra là do khi thận bị suy, sự tích tụ lại các chất thải trong máu sẽ khiến người bệnh viêm nhiễm và xuất hiện những trận ngứa ở nhiều mức độ, nhưng nó có thể sẽ nặng hơn ngứa dị ứng. Rất nhiều bệnh nhân suy thận cho biết, họ cảm thấy ngứa ngáy không chịu được, cào rách cả da mà vẫn không hết ngứa…
|
Ảnh minh họa - Internet |
Cơ thể mệt mỏi
Khi thận hoạt động bình thường sẽ tạo ra lượng hormone erythropoietin. Đây là một loại hormone nhằm thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxi. Tuy nhiên khi thận hỏng, lượng hormone này sẽ ít hơn, từ đó cơ thể sẽ ít tế bào hồng cầu mang oxi hơn… khiến bạn luôn có cảm giác mệt mỏi. Đây chính là tình trạng này thiếu máu, người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung, kèm theo đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…
Thay đổi hơi thở và vị giác
Suy thận có thể ảnh hưởng đến vị giác, hơi thở của bạn. Chẳng hạn:
- Người bệnh cảm thấy hơi thở nông hơn, hay khó hít sâu.
- Luôn cảm thấy có vị khác lạ, hơi thở có mùi.
- Cảm nhận về thức ăn kém đi, ăn không thấy ngon miệng như trước.
Cảm thấy ớn lạnh
Bệnh nhân suy thận cần được thăm khám, chăm sóc và điều trị kịp thời.
Theo BSCKII Nguyễn Ngọc Lân: "Thiếu máu do suy thận có thể khiến sức đề kháng của bạn giảm sút, da kém sắc, lúc nào cũng thấy ớn lạnh, ngay cả khi bạn đang trong phòng có nhiệt độ cao."
Đau lưng, cạnh sườn và hai chân
Suy thận có thể dẫn đến những cơ đau, có thể đau xuất hiện ở cạnh sườn sát với thận, đau thắt lưng và đau ở hai chân. Mặc dù đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhưng cũng không thể loại trừ trường hợp thận suy.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh bệnh thận:
- Uống đủ nước: Mỗi ngày bạn nên uống từ 1,5 - 2 lít nước đảm bảo cung cấp đủ nước cho thận làm việc tốt.
- Hạn chế dùng muối vì muối gây hại thận và là một trong những nguyên nhân tăng huyết áp.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm cho bệnh thận tiến triển nhanh hơn.
- Không dùng thuốc bừa bãi: Khi dùng thuốc cần có sự hướng dẫn và kê đơn của bác sỹ vì có rất nhiều thuốc gây hại cho thận.
- Không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và thừa cholesterol.
Theo Thu Hà/ Phụ nữ News