Tác dụng tuyệt vời của thuốc Ginkgo biloba
Ginkgo Biloba là tên gọi khoa học của một loài cây bạch quả đã có mặt trên trái đất từ hàng trăm triệu năm trước. Loại thực vật này có nhiều ở châu Âu và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tại Pháp, người ta thường gọi nó bằng cái tên Tanakan.
Theo các chuyên gia, trong lá Ginkgo Biloba chứa rất nhiều thành phần quý, tốt cho thần kinh não bộ như amino axit, flavonoids, terpenoid,…. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều chế phẩm từ Ginkgo Biloba được cung cấp trên thị trường.
|
Thuốc Ginkgo Biloba sở hữu nhiều tác dụng tốt cho não bộ nhưng cũng nên thận trọng khi dùng. |
Cụ thể, dược sĩ, Bùi Văn Uy cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống, thuốc Ginkgo Biloba làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu ôxy, chống ôxy hóa gốc tự do, ổn định màng nên được coi như một chất bảo vệ thần kinh. Chúng là yếu tố ngăn cản kích hoạt tiểu cầu nên có tính chống đông máu.
Ngoài ra, chúng còn làm thư giãn nội mô qua sự ngăn chặn 3-5 cyclic GMP (guanosid monophosphat), phosphodiesterase, ngăn chặn bớt mật độ nhạy của thụ thể cholin, thụ thể gây tiết epinephrin, kích thích sự hấp thu cholin ở chân hải mã (hippocampus). Chúng cũng ngăn cản việc kết tụ các mảng amyloid (nguyên nhân gây bệnh Alzheimer).
Hiệu năng của thuốc Ginkgo Biloba đã được chứng minh ở người bị thiểu năng tuần hoàn não, bị suy giảm chức năng tuần hoàn chung, bệnh suy mạch máu ngoại vi, rối loạn thính giác nên được dùng điều trị thiểu năng tuần hoàn não (với các biểu hiện chính là ù tai, chóng mặt, giảm thị lực, vài chứng suy võng mạc mắt); điều trị thiểu năng tuần hoàn não khi chưa bị tai biến mạch máu não nhằm dự phòng từ xa tai biến mạch máu não, điều trị thiểu năng tuần hoàn não sau khi đã bị tai biến mạch máu não nhằm dự phòng tai biến mạch máu não thứ phát; điều trị các triệu chứng đau (do suy tuần hoàn ngoại vi như đau thắt khi đi ngoài, rối loạn dinh dưỡng), các triệu chứng khập khểnh cách hồi, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương (phối hợp với papaverin).
Trong vài năm gần đây, có khoảng vài trăm công trình nghiên cứu xem xét lại dược tính và ứng dụng lâm sàng của EGB. Về sự cải thiện nhận thức thuốc Ginkgo Biloba có cải thiện sự suy giảm chức năng nhận thức kể cả suy giảm chức năng nhận thức trong bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, thuốc Ginkgo Biloba cũng có hiệu quả giảm ù tai hoặc mất hẳn ù tai cho 50% người dùng, song chỉ với những người mới bị ù tai (có thể là ù tai liên quan đến vận mạch). Mặc dù chứa rất nhiều tác dụng nhưng khi sử dụng loại thuốc Ginkgo Biloba này cũng cần phải thận trọng trước những tác dụng phụ tiềm ẩn khó lường.
Tác dụng phụ của thuốc Ginkgo Biloba
Trong chiết xuất Ginkgo biloba có acid ginkgolic gây độc nên tiêu chuẩn EGB là không được chứa quá 5 phần triệu chất này. Ngoài ra, các nhà lâm sàng đã ghi nhận ginkgo biloba có một số tác dụng phụ sau: gây nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; làm tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cấu, chống đông máu). Một số ít trường hợp có một biến chứng nghiêm trọng gồm xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng mắt (chưa rõ lý do vì sao). Chưa có tài liệu nào chứng minh tính an toàn của EGB ở người mang thai, cho con bú.
Do đó, các nhà lâm sàng đưa ra một số khuyến cáo, không dùng cho người có rối loạn đông máu, không dùng chung với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipyridamol, ticlopidin). Nếu cần dùng chung thì phải tính toán liều lượng thật cẩn thận, theo dõi chặt chẽ.
Không nên dùng chung với các thảo dược như fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ, đặc biệt những nhóm dược thảo có chứa coumarin. Các phối hợp nói trên sẽ cộng hợp tính chống đông máu của các chất, các thảo dược và tính gây chống đông máu của EGB làm tăng sự chảy máu.
Nên ngừng dùng thuốc Ginkgo Biloba trong 36 giờ hay tốt hơn nữa là 14 ngày trước khi phẫu thuật (nhằm tránh nguy cơ tăng chảy máu). Không dùng chung với thuốc động kinh (như carbamazepin, valproic acid) vì EGB làm giảm hiệu lực các thuốc chống động kinh.
Không nên dùng chung với tradone vì có thể bị hôn mê (mới gặp một trường hợp). Không nên dùng cho người có thai (vì chưa chứng minh được tính an toàn).
Theo An Dương/VietQ.vn