Theo bà Amanda Gummer, cũng là người sáng lập Fundamentally Children - tổ chức cung cấp những đánh giá độc lập về đồ chơi, ứng dụng cho trẻ em, đã bày tỏ mối lo ngại về việc nhiều bậc cha mẹ phải biết nói “không” với con, với những đòi hỏi không phù hợp của con. Bà cho rằng, khi bị nuông chiều quá mức trẻ sẽ không biết cách cư xử đúng mực và không có khả năng phản ứng với “thế giới thực”.
|
Ảnh minh họa. |
Bà Amanda cho hay: "Nhiều trẻ nhút nhát hay ngỗ ngược là do những bậc cha mẹ “trực thăng” (từ dùng để gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, nuông chiều con và quá tham vọng). Đây gọi là hội chứng ‘tiểu hoàng đế’”.
Bà cho biết thêm: "Họ vô cùng tham vọng đối với tương lai của con mình nhưng không nhận thức được rằng việc nuông chiều quá mức sẽ khiến con không có khả năng đối phó với cuộc sống thực”.
Bà giải thích: "Những đứa trẻ bị nuông chiều quá mức thường cảm thấy rất khó khăn trong lớp học bởi chúng không thể chịu được việc không phải là số một. Vì vậy, chúng cố thu hút sự chú ý và tin rằng tất cả mọi thứ đều là của mình. Tệ hơn, những bậc cha mẹ này còn không biết đó là lỗi của họ”.
Bà Amanda cho hay, nhiều giáo viên tiểu học đã từng phàn nàn với bà rằng, hành vi của các bậc phụ huynh “trực thăng” nhiều khi còn gây sốc hơn hành vi của con cái họ.
Bà nói thêm: "Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các giáo viên chán nản vì thái độ hay cách cư xử khó chịu của một số học sinh và cha mẹ của các em. Nhờ có sự nỗ lực của các giáo viên, đa số các em cuối cùng đã hòa nhập được vào thế giới, nơi các em không còn là “ngôi sao trong hệ mặt trời của riêng mình” nữa. Tuy vậy, vẫn có những bé không thể thay đổi và điều đó có ảnh hưởng rất lớn tới việc học tập và phát triển của các em.
Khi bị nuông chiều quá mức, trẻ cũng bị làm thui chột khả năng tự lập, trở nên hung hăng và khó chịu hơn và khó hòa nhập với mọi người.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khẳng định, việc cha mẹ kiểm soát con quá nhiều cũng có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ. Nhiều trẻ đã bị trầm cảm do áp lực học hành và do lo sợ không đáp ứng được kì vọng của bố mẹ.
Hiệu trưởng Jane Lunnon của trường trung học Wimbledon (Anh) khẳng định: "Nếu bạn chặn con bạn khỏi ánh sáng độc lập, chúng sẽ không thể phát triển. Chúng sẽ nổi dậy hoặc trở nên quá thụ động. Hãy để trẻ được tự do. Làm như vậy không có nghĩa là bạn không yêu con. Ngược lại, khi đó con bạn sẽ phát triển tốt hơn”.
Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là bạn sẽ ít quan tâm đến con hơn. Hãy vừa quan tâm vừa khuyến khích sự độc lập của chúng và quan trọng nhất là không bao giờ sợ nói “không” trước những đòi hỏi vô lý của con.
Theo Phạm Khánh/Infonet