Răng sữa của bé bị mủn là hiện tượng thường gặp ở bé độ tuổi 3-8 tuổi. Mặc dù không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu để lâu dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống răng miệng của bé khi trưởng thành.
Răng sữa (hay còn gọi là răng nguyên thủy) là thế hệ răng đầu tiên của con người, sau đó sẽ dần bị thay thế bởi răng nguyên thủy theo sự trưởng thành của bé. Chính bởi răng sữa của bé sớm hay muộn sẽ bị thay thế bởi răng nguyên thủy, nên vấn đề chăm sóc sức khỏe răng sữa dường như không nhận được sự quan tâm đúng mức của các vị phụ huynh. Một trong các vấn đề thường gặp đó chính là hiện tượng răng sữa của bé bị mủn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cách khắc phục răng sữa của bé bị mủn như thế nào?
1. Vì sao răng sữa của bé bị mủn
Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nên tình trạng răng sữa của bé bị mủn. Tuy nhiên ta có thể khái quát các nguyên nhân gây mủn răng sữa thành các nhóm chủ yếu bao gồm:
1.1. Chất lượng răng sữa của bé không kém
Nguyên nhân đầu tiên khiến răng sữa của bé bị mủn mà ta phải nhìn nhận đó chính là từ bản thân chất lượng răng sữa của bé. Răng sữa của bé có chất lượng kém khiến các cấu trúc của răng không đủ cứng, chắc nên dễ bị ăn mòn bởi các yếu tố tấn công hơn và dễ bị mủn hơn.
Tình trạng răng sữa yếu có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như thiếu các chất cần thiết cho quá trình tạo răng (đặc biệt là các chất như calci, phosphat,...), dùng các thuốc ảnh hưởng đến quá trình tạo răng,...
1.2. Do sự tấn công thức ăn
Răng được sử dụng để nghiền nhỏ thức ăn giúp cơ thể tiêu hóa, nhưng thức ăn cũng có thể gây tác động lên răng và hậu quả là răng bị bào mòn. Nhất là trong các chế độ ăn thiếu khoa học với các loại thực phẩm giàu tinh bột, nhiều đường, nước ngọt, bánh kẹo, các loại thức ăn có chứa acid,... đều có thể tạo nên các chất có khả năng ăn mòn răng rất cao, nhất là đối với răng sữa do sự phát triển cấu trúc chưa hoàn thiện và khả năng chống chịu còn kém nên lại càng dễ dàng bị mài mòn hơn.
Trong khi đó, các món ăn không có lợi cho sức khỏe răng miệng này thực chất lại là những món ăn khoái khẩu của bé nhờ hương vị hấp dẫn. Do đó, việc bé thường xuyên sử dụng các loại thức ăn này là điều khó tránh khỏi, chính vì vậy góp phần rất lớn vào việc khiến răng sữa của bé bị mủn.
Chế độ ăn uống không hợp lý có thể khiến răng sữa của bé bị mủn (Ảnh: Internet)
1.3. Vệ sinh răng miệng kém khiến răng sữa của bé bị mủn
Sau khi ăn uống, các vụn thức ăn còn sót lại trong khoang miệng của bé là mô trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Khi vi khuẩn phát triển, chúng sẽ phân hủy các vụn thức ăn còn sót này và tạo thành các sản phẩm chuyển hóa, có tính ăn mòn cao và có thể gây mòn răng sữa.
Chính vì thế, khi bé không được vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng một cách qua loa khiến các mảnh vụn thức ăn không được loại bỏ sạch sẽ sẽ khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển và gây các vấn đề về răng miệng, trong đó có tình trạng răng sữa của bé bị mủn.
2. Răng sữa của bé bị mủn biểu hiện như thế nào?
Nhìn chung, tình trạng răng sữa của bé bị mủn thường không quá khó để có thể phát hiện, các bậc cha mẹ có thể phát hiện tình trạng này tương đối dễ dàng nhờ sự quan sát hằng ngày hoặc nhờ vào sự phàn nàn về các khó chịu của bé.
Khi răng sữa của bé bị mủn, dấu hiệu sớm thường thấy đó chính là sự thay đổi màu sắc của răng. Các răng của bé dường như không được trắng, sáng như trước mà thay vào đó là ngả màu hơn do lớp men răng đã bị ăn mòn đáng kể dẫn đến lộ ngà. Ngoài ra, cảm giác ê buốt, đau nhức cũng là những cảm giác thường xuất hiện khi răng sữa của bé bị mủn. Điều này là bởi lớp ngà răng của trẻ bị lộ ra, khiến răng dễ bị kích thích hơn và nhạy cảm hơn.
Nếu tình trạng nặng, ta có thể thấy răng của bé bị mòn đi nhiều làm mất hình dạng ban đầu, mẻ, sứt,... Thậm chí trong các trường hợp nặng, răng sữa có thể bị mòn đến tận chân răng.
Bé bị mủn răng sữa thường cảm thấy đau khi ăn uống (Ảnh: Internet)
3. Răng sữa của bé bị mủn có nguy hiểm không?
Như đã nói, nhiều người cho rằng răng sữa sớm hay muộn cũng sẽ bị thay thế bởi răng vĩnh viễn. Do đó, không cần thiết quan tâm quá nhiều đến sức khỏe răng sữa bởi những hậu quả khi răng sữa bị hỏng đều sẽ được phục hồi khi bé mọc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Các hậu quả nguy hiểm khi răng sữa của bé bị mủn có thể kể đến như:
- Răng sữa của bé bị mủn khiến các răng ở hai hàm không thể khít lại với nhau khi nhai, cắn,... điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn uống của trẻ.
- Răng sữa tham gia vào cấu trúc nên sự tạo khoang miệng có cấu trúc bình thường, tạo điều kiện để bé phát âm chính xác và dễ dàng hơn. Khi răng sữa của bé bi mủn, cấu trúc khoang miệng sẽ bị thay đổi theo hướng bất thường, điều này gây khó khăn khi phát âm và dễ dẫn đến nói ngọng.
- Răng sữa của bé bị mủn thường sẽ dẫn đến tình trạng rụng sớm, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay thế của răng vĩnh viễn, khiến răng vĩnh viễn dễ bị mọc lệch lạc.
- Khi răng sữa bị mủn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, điều này dễ khiến trẻ sinh ra tâm lý tự ti khi giao tiếp với bạn bè.
4. Răng sữa của bé bị mủn phải làm sao?
Khi răng sữa của bé bị mủn, vấn đề xử lý như thế nào sẽ được đưa ra dựa trên tình trạng tổn thương răng trên thực tế. Trong trường hợp răng sữa bị mủn ít thì cần ưu tiên các phương pháp xử lý bảo tồn răng sữa, làm chậm hoặc làm dừng lại quá trình răng sữa bị mủn để chờ đợi đến khi răng sữa rụng tự nhiên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho răng trưởng thành phát triển và thay thế. Còn nếu răng sữa bị mủn quá nhiều, đến tận chân răng thì bác sĩ nha khoa có thể tư vấn nhổ răng sữa cho bé sau khi đã thăm khám cụ thể.
4.1. Vệ sinh răng miệng bé thường xuyên và đúng cách
Cha mẹ nên hướng dẫn bé cách vệ sinh răng miệng đúng cách với bàn chải, kem đánh răng, súc miệng,... để bé có thể tự chủ động vệ sinh răng miệng cho mình ít nhất 2 lần mỗi ngày, tránh vi khuẩn phát triển gây mủn răng sữa tiến triển nặng hơn.
Trong trường hợp, trẻ còn quá nhỏ chưa có khả năng tự vệ sinh răng miệng thì cha mẹ cần giúp bé vệ sinh răng miệng đúng cách với miệng gạc sạch và cho trẻ súc miệng sau mỗi lần trẻ ăn để loại bỏ bớt các thức ăn còn sót lại trong khoang miệng.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên giúp khắc phục tình trạng răng sữa của bé bị mủn (Ảnh: Internet)
4.2. Chế độ ăn uống hợp lý
Trong thực đơn dành cho trẻ, nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có hại cho răng như thực phẩm có quá nhiều tinh bột, thức ăn có nhiều đường, thức ăn chua,... để tránh gây hại và làm mủn răng sữa của bé.
Ngoài ra, cũng nên bổ sung các khoáng chất cần thiết như calci, phospho,... trong chế độ ăn của trẻ để giúp răng của trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và khỏe mạnh hơn để chống lại quá trình ăn mòn của thức ăn.
4.3. Điều trị nha khoa thực thụ
Các phương pháp điều trị nha khoa thực thụ sẽ được xem xét và lựa chọn thích hợp sau khi bác sĩ nha khoa thăm khám và đánh giá mức độ mủn răng sữa của bé.
Trám bít lỗ mủn răng sữa thường được áp dụng cho các trường hợp răng sữa của bé bị mủn ít và vẫn còn khả năng bảo tồn cao để giúp lấy lại khả năng ăn uống, phát âm và thẩm mỹ cho bé mà ít can thiệp nhất đến bé. Nhưng nếu răng sữa của bé bị mủn đã quá nặng, các chân răng lung lay thì cách điều trị duy nhất là phải nhổ răng để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Qua đây có thể thấy rằng, răng sữa của bé bị mủn tưởng chừng như chỉ là một tình trạng hết sức bình thường nhưng trên thực tế lại rất nguy hiểm và để lại nhiều hậu quả lâu dài. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé đúng cách để tránh trường hợp răng sữa bị mủn và nếu răng sữa của bé đã bị mủn thì cần phát hiện sớm để có phương hướng xử lý kịp thời.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị