Tan cửa nát nhà vì lấy phải người nói nhiều

Google News

Đàn ông hay đàn bà đều coi “bệnh nói nhiều” của vợ, chồng là một “cơn ác mộng”.

Đàn ông đấm đá, đàn bà kêu than
Mấy năm nay, hàng xóm nhà anh Tuấn Bảo (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã quá quen với tiếng cãi vã, tiếng đồ đạc rơi vỡ phát ra từ nhà anh Bảo. Nguyên nhân thì ai cũng quá rõ, tất cả là tại “bệnh nói nhiều” của chị Quyên, vợ anh.
“Vợ tôi cái gì cũng tốt, cũng giỏi, cũng đáng để chồng con tự hào. Duy chỉ có tật nói nhiều khiến chồng và các con mệt mỏi, ngao ngán. Lấy nhau được gần chục năm, thời gian đầu vợ chồng tôi rất hòa thuận, chia sẻ với nhau. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tự dưng mấy năm gần đây, vợ tôi sinh ra thói càu nhàu, suốt ngày ca thán, chì chiết chồng con, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Tôi góp ý nhiều lần nhưng vợ lại thản nhiên “tính em nó vậy”.
Từ chỗ hãnh diện vì có người vợ lanh lợi, hoạt bát, vui vẻ, mau miệng, bây giờ tôi đâm “hãi” tật nói nhiều của vợ. Ngẫm ra trong ngày, chỉ lúc đi ngủ và khi trang điểm là vợ tôi tạm ngưng “phát sóng”. Những lúc vợ chồng vui vẻ, tôi hay đùa rằng mình chẳng ước giàu sang phú quý, chỉ có một mong muốn “cháy bỏng” là vợ nhịn nói trong vòng một ngày”, anh Bảo cho biết.
Tan cua nat nha vi lay phai nguoi noi nhieu
Đàn ông thường kiệm lời hơn phụ nữ nhưng không vì thế mà họ thích một người phụ nữ nói nhiều. (Ảnh minh họa). 
Cũng theo anh Bảo, chị Quyên nói nhiều đến mức, mỗi lần chị bắt đầu một câu chuyện gì là y như rằng các con rỉ tai nhau: “Đài phát thanh bắt đầu hoạt động”, “60 phút dân ca bắt đầu”. Hàng xóm cũng phải “phục” trước khả năng nói không ngừng nghỉ của chị Quyên.
Mời độc giả xem clip "Cô gái nói 7 thứ tiếng": (Nguồn VTC1)
“Điều đáng nói là vợ tôi rất bảo thủ. Mỗi khi tôi góp ý là y như rằng cô ấy gạt đi và bảo “tính em nó thế rồi, mà nói nhiều anh với các con còn không nghe, nói ít thì khác gì để bố con anh muốn làm gì thì làm”. Và thế là sau mỗi lần góp ý, vợ tôi lại càng “phát sóng” với tần suất cao hơn.
Có hôm em vợ ở Bắc Ninh lên chơi 3 ngày, lúc về chú ấy hỏi vợ chồng tôi: “Anh chị để ti vi trong nhà làm gì cho phí, để lại cho em đi”. Cả tôi và vợ nhìn nhau “mắt tròn mắt dẹt” vì không hiểu mô tê gì. Lúc này em vợ mới cười rồi bảo: “Chị thay chức năng của cái ti vi rồi, có thêm cái nữa làm gì cho “rác” nhà. Em lên mấy ngày nhưng có thấy ti vi mở phút nào đâu. Cứ về đến nhà là chị “bao sân” hết các chương trình rồi. Ti vi mua về để “làm cảnh” vừa phí lại nhanh hỏng”.
Lúc này tôi thì cười chảy nước mắt, còn vợ tôi giận cậu ấy cả tháng, giận đến độ cứ gặp mặt là mát mẻ rồi giáo huấn đến mức cậu ấy nhìn thấy chị là tìm cách... trốn”, anh Bảo kể.
Chịu chung “số phận” như anh Bảo là chị Mai Hạnh (Long Biên, Hà Nội). Chị Hạnh kể, hồi còn yêu nhau, thấy anh Hải hoạt bát, “không để thời gian chết” mỗi khi cả hai gặp nhau, chị thấy hay hay, bởi tính chị vốn ít nói, anh nói nhiều nên những buổi hẹn hò thường không nhàm chán. Thế nhưng khi kết hôn, tính nói nhiều, nói dai của anh Hải lại là nguyên nhân của những bất hòa trong gia đình.
“Chỉ cần vợ con làm gì không đúng ý là chồng tôi sẵn sàng “giáo huấn” cả tối. Nhiều khi muốn được yên nên nhận lỗi và xin lỗi nhưng chồng vẫn bảo “xin lỗi mà xong à. Phải nói để lần sau rút kinh nghiệm”.
Đi nghỉ mát với cơ quan tôi, anh ấy cũng chiếm “đài” của tất cả, khiến đồng nghiệp tôi trêu rằng: “Thế này chị Hạnh chẳng lo buồn, về nhà là có chồng “thì thầm” từ ngoài phòng khách đến tận phòng ngủ”. Bạn bè hai đứa nhỏ nhà tôi cũng ít khi đến nhà vì sợ phải nghe chồng tôi thuyết giảng”, chị Hạnh cho biết.
Hành trình “trị” bệnh nói nhiều của “nửa kia”
“Bệnh nói nhiều” của chị Quyên khiến anh Bảo “sợ” về nhà. Cứ tan làm là anh rủ bạn bè đồng nghiệp cà kê nhậu nhẹt. Những khi không “trốn” được thì anh và các con “chống bão” bằng cách đeo head- phone mở nhạc hết cỡ hoặc... nói chuyện với nhau, coi lời nói của chị Quyên như “nước đổ lá khoai”.
“Dù còn yêu vợ nhưng nói thật là tôi càng ngày càng thấy nghẹt thở. Mấy đồng nghiệp của tôi cũng hay ca thán bởi cứ về đến nhà là vợ nói như “bắn súng liên thanh”. Dường như trong mắt các bà vợ, ông chồng nào cũng có đầy rẫy khuyết điểm, vì thế "căn bệnh" nói nhiều ở người vợ càng trở nên nặng hơn”, anh Bảo chán nản.
“Thực ra, mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó. Bản chất tôi không phải người thích nói nhiều. Nhưng từ khi kết hôn, chồng tôi tính tình bừa bộn, làm gì cũng cẩu thả. Khi còn là vợ chồng son thì thôi “bấm bụng” đi đằng sau “thu dọn chiến trường” do chồng bày bừa. Thế nhưng có con rồi, hai đứa nhà tôi lại nhiễm tính bày bừa, không ngăn nắp của anh ấy. Vì vậy tôi đành phải nói nhiều, phải giảng giải rồi nhắc đi nhắc lại để chồng con “thấm dần” mà thay đổi”, chị Quyên cho biết.
“Bệnh” của chị Quyên sau đó phải nhờ đến sự can thiệp của bố mẹ đẻ chị. Ông bà lên chơi với các cháu một tháng và hiểu ra “nguyên nhân bệnh” của con gái. Một cuộc họp gia đình được tổ chức. Ông bà thẳng thắn nói ra quan điểm của mình, yêu cầu anh Bảo và các cháu thay đổi thói quen cẩu thả. Còn chị Quyên cũng bị “giáo huấn” cả buổi và “nhận lệnh” tiết chế ngôn ngữ.
“Nhờ sự can thiệp và góp ý của bố mẹ vợ, chúng tôi hiểu ra vấn đề của mình ở đâu để cùng nhau tháo gỡ. Tôi học cách sống có quy củ, ngăn nắp, các con cũng “nhận lệnh” phải luôn giữ cho phòng mình sạch đẹp. Còn vợ tôi có lẽ vì vậy cũng ít nói hơn, không hay ca thán, càu nhàu như trước nữa”, anh Bảo vui vẻ cho biết.
Còn chị Hạnh, không biết phải làm gì với “căn bệnh nan y” của chồng. Bởi nó không phải sinh ra do ngoại cảnh mà nó thuộc về tính cách của anh Hải. Dù chị có góp ý hay gay gắt thì anh Hải cũng chỉ “rút kinh nghiệm” được 1-2 ngày, sau đó mọi việc lại đâu đóng đấy.
“Từ khi sinh bé thứ 2, vợ chồng tôi chuyển về nhà ngoại ở để nhờ ông bà chăm các cháu khi hai vợ chồng đi làm. Từ đây mâu thuẫn lại càng nhiều. Không phải đơn giản chỉ là mâu thuẫn vợ chồng nữa mà còn là mâu thuẫn giữa mẹ vợ - con rể. Anh ấy sẵn sàng chê bai món ăn mẹ tôi làm ngay trên bàn ăn, càu nhàu vì bà ở nhà trông cháu không cẩn thận để cháu ngã,... khiến mẹ tôi giận, rồi đâm có ác cảm với con rể.
Nhẹ nhàng góp ý với chồng không được, mà gay gắt cũng không xong. Vợ chồng mâu thuẫn liên miên, ức chế cứ tích tụ dần khiến tôi chẳng còn chút hào hứng gì với cuộc hôn nhân của mình. Nhiều khi đã nghĩ đến chuyện ly hôn”, chị Hạnh tâm sự.
“Có một thứ bạo lực khác bạo lực bằng nắm đấm, đó là bạo lực tinh thần, bạo lực bằng cách nói nhiều, chửi rủa. Cái này đa số đàn ông là nạn nhân, hiếm có nạn nhân là phụ nữ như tôi. Tôi sợ cứ như vậy trước sau tôi cũng bị bệnh về thần kinh”, chị Hạnh chia sẻ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Phong Linh/ĐSPL