Tôi năm nay tròn 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con nhỏ lên 5 tuổi. Thu nhập của vợ chồng tôi không quá cao, cũng không thuộc diện quá thấp. Thế nên, cưới nhau được 6 năm, vợ chồng tôi đã mua được căn nhà chung cư 70 mét vuông và đến thời tại chỉ còn nợ khoảng hơn 100 triệu đồng nữa.
Tiền thu nhập hàng tháng được vợ chồng tôi trích ra một phần để trả nợ mua nhà đều đặn, phần còn lại cho chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, mấy năm gần đây, toàn bộ tiền thưởng Tết của chúng tôi đều dùng chi tiêu mua sắm Tết chứ không có ý định phải chắt bóp lấy tiền trả nợ như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác.
Những năm trước, thưởng Tết Nguyên đán của tôi thường được 10 triệu đồng, chồng tôi được khoảng 15 triệu đồng. Tổng thưởng Tết lên tới 25 triệu đồng mà tôi tiêu Tết vẫn thấy thiếu trước hụt sau.
|
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, tôi biếu ông bà nội 5 triệu đồng, biếu ông bà ngoại 5 triệu đồng, mua quần áo Tết cho con hết 1 triệu đồng, mua sắm Tết cho gia đình tôi trên Hà Nội hết 3 triệu đồng; mua quà đi lễ Tết hết 4 triệu đồng (bên nhà chồng tôi có phong tục đi đến chơi Tết nhà họ hàng phải có bánh kẹo đem đến lễ Tết, chưa kể các bác ruột bên bố mẹ chồng ngoài bánh kẹo đem lễ Tết còn phải kèm thêm thùng bia hay chai rượu).
Ngoài ra, tiền mừng tuổi hết khoảng 7 triệu đồng. Trong đó, ông bà nội 1 triệu, ông bà ngoại 1 triệu, các cháu nội, cháu ngoại; mừng tuổi người già trong họ, các cháu họ,... Đó là chưa tính, về quê chồng ăn Tết, tôi còn tiêu lặt vặt cho các khoản hoa quả Tết, bánh kẹo Tết để tiếp khách đến chơi nhà.
Vì thế năm ngoái, chúng tôi có 25 triệu tiêu Tết vẫn không đủ, chưa kể nhà anh em họ hàng xa tôi còn trốn, không dám đến chơi chúc Tết, bởi đi nhiều phải mừng tuổi nhiều. Ngày mùng 3 Tết đi xe về nhà ngoại chơi, tôi phải phải móc bao lì xì của con ra để chi trả.
Năm nay, số tiền thưởng Tết của tôi vẫn vậy, nhưng công ty chồng tôi năm vừa rồi làm ăn không được thuận lợi cho lắm nên tiền thưởng Tết chỉ được 9 triệu đồng. Tức Tết này tiền tiêu của gia đình tôi có khoảng 19 triệu đồng.
Thật ra, mọi người bảo có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, tôi cũng tính cắt giảm một vài khoản không cần thiết. Nhưng, năm nay, mẹ chồng tôi bảo ông bà đã có tuổi rồi nên giao cho tôi thêm khoản sắm sửa lo Tết cho nhà chồng.
Tôi tính, năm nay các khoản đều phải giảm bớt đi cho phù hợp kinh tế của gia đình, chỉ biếu ông bà nội 3 triệu đồng, ông bà ngoại 3 triệu đồng, sắm quần áo Tết cho con 1 triệu đồng, mua sắm Tết cho gia đình trên Hà Nội khoảng 2 triệu đồng, mua quà đi lễ Tết hết 3 triệu đồng; tiền mừng tuổi hết 5 triệu đồng, tiền sắm Tết cho nhà chồng hết 4 triệu đồng nữa (mua cây quất hoặc đào; 3 con gà cho hôm tất niên, ngày mùng 1 và ngày mùng 2; bánh chưng; bánh kẹo, thịt lợn; thịt bò, rau củ quả, bánh kẹo thờ Tết; bánh kẹo mời khách,... ).
Tất cả các khoản đã được cắt giảm, thế nhưng kế hoạch dự trù tiêu Tết của tôi tính sơ sơ vẫn hết 21 triệu đồng, chưa có tiền đi lại, trong khi thưởng Tết của vợ chồng tội dồn lại cũng chỉ được 19 triệu đồng, tức thiếu ít nhất 2 triệu đồng
Cả tuần nay, tôi cứ ngồi tính đi tính lại xem có cắt giảm được thêm khoản nào không, nhưng khoản nào cũng đã cắt giảm xuống mức thấp nhất có thể. Bạn bè khuyên giảm tiều biếu nhà nội và nhà ngoại xuống, song tôi thấy thế không ổn, bởi mấy năm nay vợ chồng tôi dồn tiền vào trả nợ, chỉ có Tết mới biếu bố mẹ được mấy đồng, giờ mà cắt đi thì không hay lắm.
Với bảng dự trù tiêu Tết hết 21 triệu năm nay, các bạn có thể cho tôi lời khuyên nên cắt giảm bớt ở những khoản nào để phù hợp với số tiền thưởng Tết 19 triệu đồng mà vợ chồng tôi có được, tránh không bị thâm hụt ngân sách, mà không mang tiếng “sắm Tết hẻo”?.
Tôi đang khủng hoảng thật sự, thậm chí ngày nghỉ thiên hạ rầm rập mua sắm mà tôi không dám ra khỏi nhà vì sợ tiện tay tiêu quá thì hỏng cả kế hoạch tết.
Theo Khánh An/Vietnamnet