Bệnh nhân là anh Đoàn Văn Dĩnh (sinh năm 1992, dân tộc Bana, cư trú tại Bình Định), gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ, anh chỉ làm mướn ở trong rẫy xa nhà.
Chị Đoàn Thị Hương (chị ruột anh Dĩnh) cho biết, vào tối 12/1, sau khi đi làm về anh Dĩnh cảm thấy ngứa khắp người nên đã đi mua thuốc tây về uống. Trời tối, lại không có đủ ánh sáng, anh Dĩnh vô tình uống thuốc còn nguyên vỏ.
|
Anh Dĩnh đang được điều trị sau ca mổ |
Vừa uống thuốc xong, anh Dĩnh cảm thấy vướng ở cổ họng và cố ói ra nhưng sau một lúc không còn cảm giác nghẹn nữa nên anh đi ngủ. Đến gần 4h sáng 13/1, anh bất ngờ bị đau bụng dữ dội nên người nhà đã đưa đi bệnh viên cấp cứu và sau đó được chuyển sang Bệnh viện tỉnh Bình Định.
Tại đây, sau khi được kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán anh Dĩnh bị tắc, dính ruột và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, 3 ngày sau mổ, anh Dĩnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, ngực đau tức, khó thở nên được chuyển thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Qua nội soi và xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện dị vật tầm 2cm bị tắc tại đường tiêu hóa. BS Lâm Việt Trung, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết dị vật đã gây thủng thực quản, thủng ruột, tạo thành ổ áp xe gây dính ruột, cần phải phẫu thuật gấp
Ca mổ dưới sự phối hợp của các bác sĩ khoa Nội soi, Ngoại Tiêu hóa và Ngoại lồng ngực đã xử lý dị vật, ổ áp xe, làm sạch dịch ổ bụng. Dị vật được lấy ra là một viên thuốc còn nguyên vỏ kẽm với cạnh sắc nhọn gây tổn thương ruột và thực quản.
Hiện tại, sức khỏe anh Dĩnh đã dần ổn định. Tuy nhiên, anh vẫn cần được theo dõi điều trị và để ống dẫn lưu dịch trong ổ bụng.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Lâm Việt Trung cũng cho biết thêm: “Vỏ thuốc có bốn cạnh rất sắc, người bệnh uống nhầm cả thuốc còn nguyên vỏ rất nguy hiểm vì trên đường đi, nó có thể gây tổn thương từ thực quản đến dạ dày, ruột… Đặc biệt, khi cho người già, trẻ em, người hay quên, bệnh nhân có vấn đề về thần kinh uống thuốc, người thân nên cẩn thận để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc.”
Theo Thùy Trang/ Người Tiêu Dùng