Thoát vị bẹn và có nhất thiết phải mổ?

Google News

Thông thường, thoát vị chỉ 1 bên, nặng khi vận động đi lại nhiều, hắt hơi, sổ mũi, táo bón... nằm nghỉ có thể co lên.

- Hỏi: Bố tôi năm nay 72 tuổi. Cách đây khoảng 1 tháng, bác sĩ bảo bị bệnh thoát vị bẹn bên trái. Xin hỏi, điều trị bệnh này ngoài cách mổ còn có cách điều trị khác không? Nếu để lâu không mổ còn biến chứng gì không? Phạm Quang Chữ (Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định).

Một ca phẫu thuật thoát vị bẹn.
Một ca phẫu thuật thoát vị bẹn.
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện 354 trả lời: Thoát vị bẹn có hai nguyên nhân bẩm sinh và mắc phải, thường gặp ở nam giới. Nguyên nhân nam giới hay mắc thoát vị bẹn, do vùng bẹn là điểm có một khe nhỏ trước kia là đường để hột tinh hoàn tụt xuống nơi ở cố định là túi bìu.
 
Thông thường, đường này chỉ còn có các mạch máu đi qua để nuôi dưỡng tinh hoàn. Nhưng nếu lỗ bao quanh động mạch không kín hoặc quá yếu, một đoạn ruột có thể lọt vào và thoát ra ngoài ổ bụng xuống bìu gọi là thoát vị bẹn. Hiện tượng này có thể xảy ra với người trẻ nhưng dễ xảy ra với người già hơn vì các cơ thành ổ bụng yếu dễ sa xuống phía dưới.

Thông thường, thoát vị chỉ 1 bên, nặng khi vận động đi lại nhiều, hắt hơi, sổ mũi, táo bón... nằm nghỉ có thể co lên. Tuy nhiên, có những trường hợp ruột hoặc mạc treo của ruột không chạy vào lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột. Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất. Vì vậy, tốt nhất khi bị thoát vị bẹn thì nên mổ càng sớm càng tốt. Kỹ thuật mổ đơn giản có thể thực hiện được ở tuyến huyện, tỉnh.
 
PV (ghi)