Thói quen dậy sớm có thể được thừa hưởng từ tổ tiên lai tạo Neanderthal

Google News

Các nhà khoa học cho biết những người ngủ sớm và dậy sớm có thể đã thừa hưởng đặc điểm này từ DNA của người Neanderthal.

Trong khi hầu hết các gen mà Homo Sapiens có được thông qua quá trình giao phối với các loài người khác đã bị quá trình tiến hóa loại bỏ, một phần nhỏ vẫn còn sót lại, rất có thể là do các gen này đã giúp Homo Sapiens thích nghi với môi trường mới khi rời Châu Phi đến Âu Á.
John Capra - nhà dịch tễ học ở Đại học California, San Francisco, cho biết: “Bằng cách phân tích các đoạn DNA của người Neanderthal còn sót lại trong bộ gen của con người hiện đại, chúng tôi đã phát hiện một xu hướng đáng chú ý". Cụ thể, nhiều gen chi phối đồng hồ sinh học ở người hiện đại, làm tăng khả năng trở thành người dậy sớm.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Homo Sapiens di cư từ Châu Phi đến Âu Á khoảng 70.000 năm trước. Khi đến nơi, họ gặp người Neanderthal, những người đã thích nghi với cuộc sống ở vùng khí hậu lạnh hơn, và đã chiếm đóng lãnh thổ này hàng trăm nghìn năm trước đó. Do sự giao phối giữa các nhóm, con người ngày nay mang tới 4% DNA của người Neanderthal, bao gồm các gen liên quan đến sắc tố da, tóc, mỡ và khả năng miễn dịch.
Capra và các đồng nghiệp đã phân tích DNA từ người hiện đại và người Neanderthal. Kết quả, ở cả hai bộ DNA họ đều tìm thấy các biến thể di truyền khác nhau liên quan đến đồng hồ sinh học hoặc nhịp sinh học. Họ lập luận rằng vì tổ tiên của con người hiện đại giao phối với người Neanderthal, nên có thể một số người ngày nay mang các biến thể gen của người Neanderthal.
Để kiểm tra kỹ hơn, các nhà nghiên cứu đã tìm đến bộ dữ liệu Biobank của Anh, nơi lưu giữ thông tin về di truyền, sức khỏe và lối sống của nửa triệu người. Theo kết quả công bố trên tạp chí Genome Biology and Evolution, không chỉ có nhiều người ngày nay mang các biến thể gen Neanderthal, mà các biến thể gen còn liên quan chặt chẽ đến việc thức dậy sớm.
Nhưng để trở thành người dậy sớm không bắt buộc phải có gen của người Neanderthal. Hàng trăm gen khác nhau ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ và thức của một người, đồng thời còn có rất nhiều ảnh hưởng từ môi trường và văn hóa. Nhìn chung, gen của người Neanderthal chỉ có tác động nhỏ.
Capra nghi ngờ rằng nhiều người hiện đại mang gen của người Neanderthal vì các gen này đã giúp tổ tiên của họ thích nghi với cuộc sống ở vĩ độ cao hơn. “Ở những vĩ độ cao hơn, khả năng ngủ và thức linh hoạt hơn, thay đổi theo mức độ ánh sáng mỗi mùa, sẽ là lợi thế”, Capra nói.
Giáo sư Mark Maslin - thuộc Đại học College London, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Khi Homo Sapiens tiến hóa ở vùng nhiệt đới châu Phi, độ dài ngày trung bình là 12 giờ. Nhưng càng đi xa về phía bắc, ngày càng ngắn lại vào mùa đông, vì vậy, việc người Neanderthal và Homo Sapiens bắt đầu kiếm thức ăn ngay khi có ánh sáng đầu ngày là điều hợp lý".
Theo Công Nhất/khoahocphattrien.vn