Gần đây, hiện tượng thời tiết thất thường đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến cuộc sống. Giữa những ngày hè tháng 5 mà miền Bắc vẫn tiếp tục đón không khí lạnh, nền nhiệt có thời điểm giảm mạnh xuống 18 độ C, điều này mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe của mọi người.
Bên cạnh đó, cùng với sự xuất hiện của một loạt ô nhiễm không khí đặc biệt nguy hại, đó là sương mù quang hóa, rõ nhất là vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, điều này đã làm gia tăng nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
|
Thời tiết thất thường trong ngày. Ảnh minh họa. |
Bệnh hô hấp gia tăng: Ho, cảm triền miên khó dứt
Khi thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng, khi mưa, khi nắng, những người gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, dị ứng thấy bệnh trầm trọng thêm, việc hít thở khó khăn hơn. Theo chuyên gia tai mũi họng – BS. Lâm Huyền Trân sự biến động nhiệt độ nhanh khi thay đổi thời tiết sẽ là hệ miễn dịch suy yếu. Thêm vào đó, các virus gây bệnh dễ sinh sôi, phát triển khi đổi nhiệt độ sang lạnh và độ ẩm cao, chúng dễ lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Và đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi hít thở. Chính vì thế, khi thay đổi thời tiết, nhiều người thường bị ho, ngứa họng và cảm lạnh.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: SK). |
Ho là một chứng bệnh thường xuất hiện khi giao mùa hoặc thay đổi khí hậu. Đặc điểm của ho trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên là xuất hiện khá nhanh, diễn tiến đến ho có đờm do niêm mạc mũi họng tăng tiết dịch, hoặc có thể kèm theo các triệu chứng khác như ngạt mũi, chảy mũi, ngứa họng.
Đó là nguyên nhân vì sao người thường xuyên dịch chuyển qua các vùng khí hậu khác nhau dễ mắc bệnh về hô hấp như ho, ngứa họng và có đờm.
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi trung ương đã chỉ ra rằng: Vào thời điểm mùa hè, cộng với việc không khí bị ô nhiễm nặng, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, hen, bệnh phổi mãn tính… ngày càng cao, đặc biệt với nhóm đối tượng có sức khỏe nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ.
Các bệnh truyền nhiễm
Các chuyên gia về y tế dự phòng lo ngại việc gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa là các yếu tố thuận lợi cho một số loại muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…) phát triển, khiến cho các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh lan truyền qua muỗi bùng phát rộng.
Những ngày giữa tháng 5 gần đây (khi mà chưa đến thời điểm xuất hiện dịch sốt xuất huyết hàng năm) thì tại Hà Nội đã xuất hiện bệnh và có bệnh nhân tử vong. Chia sẻ với báo chí, BS Đào Hữu Thân, năm nào tại Hà Nội cũng ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết (SXH), nhưng năm nay, dịch đến sớm hơn thường lệ nên tại thời điểm này gia tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân có thể do nền nhiệt từ đầu năm đến nay cao hơn so với mọi năm, nên đã tạo điều kiện cho muỗi truyền virút SXH phát triển và gây bệnh.
Đau đầu, ngủ kém
|
Ảnh minh họa. Nguồn: ATZ Healthy Life. |
Cơ thể khi ở trong điều kiện môi trường có nhiệt độ mát mẻ, giấc ngủ sẽ sâu hơn và khi ngủ sẽ được yên giấc hơn vì vậy chất lượng giấc ngủ được đảm bảo. Tuy nhiên, mỗi khi thay đổi thời tiết thay đổi, nóng ẩm hơn, nhiều người cảm thấy khó ngủ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trẻ thường biểu hiện bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi, ngủ không yên giấc, hay giật mình, hay quấy khóc và đổ nhiều mồ hôi vùng lưng, cổ và đầu.
Ngoài ra, sự thay đổi áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí cũng tác động không nhỏ đến việc lưu thông máu, ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông đến não gây ra hiện tượng đau đầu.
Bệnh tiêu chảy
Thời tiết tháng 5 nóng bức, lại thay đổi có mưa nhiều thất thường và gió lạnh, nóng ẩm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, cộng với đó các yếu tố như thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm, đây là điều kiện làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy gây bệnh cho con người, nhất là những người có đề kháng còn yếu.
Đau khớp
Theo các chuyên gia sức khỏe, khi trời trở lạnh hay sắp có mưa dông, bão lốc... sẽ khiến các bệnh nhân có bệnh về xương khớp khó chịu hơn. Điều này được các nhà khoa học lý giải khi trời trở lạnh áp suất khí quyển và nhiệt độ giảm, và độ ẩm không khí.tăng lên áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho khớp, độ ẩm tăng góp phần gây nên sưng mỏi khớp. Đồng thời mạch máu bị co lại khi nhiệt độ giảm xuống, khiến máu trong cơ thể lưu thông kém càng làm chân tay đau buốt, tê cứng hơn. Một số nghiên cứu còn khuyến cáo trời lạnh, làm thay đổi dịch khớp gây đau khớp hay trước một cơn bão, áp suất khí quyển thay đổi đột ngột có thể gây đau khớp.
Linh Hoàng