Đỉa khô tán nhuyễn trong thực phẩm sinh sôi trong cơ thể người?

Google News

(Kiến Thức) - Trước dư luận về việc đỉa khô tán nhuyễn trộn trong thực phẩm có thể sinh sôi trong cơ thể người, các chuyên gia đã vào cuộc giải đáp.

Đỉa sấy khô tán bột phát triển thành con?
Liên quan tới tin đồn con đỉa sấy khô tán bột cấy vào các loại thực phẩm bánh kẹo, sinh sôi trong bụng người, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục ATTP khẳng định: "Việc cấy trứng đỉa, bột đỉa sấy khô vào thực phẩm như bánh quy, mỳ tôm, bim bim hay sữa bột... để sau khi con người ăn phải trứng và bào tử đỉa phát triển thành con đỉa trong cơ thể người, phá hủy nội tạng là không có cơ sở khoa học".
Đỉa sấy khô tán bột không thể nở thành đỉa con.
Cũng theo ông Phong, với sản phẩm mì ăn liền, các loại mì đều được sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín với những yêu cầu nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn thực phẩm. Quá trình tạo ra sản phẩm đòi hỏi phải trải qua công đoạn hấp chín ở 100 độ C và chiên trong dầu ở nhiệt độ 150 độ C. Mì sau khi chiên xong được chạy qua hệ thống quạt để làm nguội, sau đó được phân loại và qua hệ thống kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói. Nếu có trứng đỉa hoặc bột đỉa trong đó thì cũng đã chín và không thể nở thành con đỉa được. 
Hơn nữa, mì ăn liền, bánh quy, bim bim là sản phẩm đã được chiên khô và đóng gói trong bao bì kín là môi trường đỉa và các vi sinh vật không thể phát triển.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho biết: "Bào tử của đỉa qua quá trình chế biến thực phẩm không thể tồn tại được. Trứng đỉa chỉ có thể nở trong môi trường thích hợp, có độ ẩm như ruộng, đất, chứ không thể nở trong ruột, dạ dày. Con đỉa khi có lạc vào trong người cũng không thể sống được bởi trong ruột, trong dạ dày có độ pH, các men tiêu hủy...
 PGS.TS Phạm Bình Quyền cho biết thêm, đỉa là một bộ sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt. Cơ thể của giun đốt nói chung cũng như dỉa nói riêng gồm một chuỗi các đơn vị giống nhau được gọi là các đốt. Giữa các đốt có vách ngăn. Với cấu trúc này khiến cho mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của toàn cơ thể. Đó là lý do chủ yếu cho việc khi cắt, gây tổn thương con đỉa ở một số vị trí nhất định thì cá thể đỉa cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới. 
Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn, nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể đỉa ra làm đôi,ì cá thể cũng không có khả năng tái sinh. Mặt khác, ngành giun đốt đã xuất hiện hệ thống tuần hoàn kín, nên đỉa cũng sẽ không có khả năng tái sinh trong điều kiện đã phơi khô hoặc đốt cháy.
Đỉa có thể ký sinh trên cơ thể người
Theo Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn: " Đỉa sống có thể lọt vào cơ thể sống ký sinh ở một số bộ phận trên cơ thể người. Những nếu con đỉa sống có vô tình đi vào dạ dày thì cũng khó hoặc không thể sống được trong môi trường có độ pH axit cùng các men tiêu hóa đậm đặc như dạ dày".
 Hình ảnh đỉa lúc nhúc đáng sợ.
Thạc sĩ Quang phân tích: "Thức ăn chính của đỉa là máu. Máu được đỉa hút từ cơ thể vật chủ là những loài động vật có xương sống như người, trâu bò... Trong quá trình hút máu hoặc di chuyển trên cơ thể vật chủ, do con người tắm hoặc uống nước ở nguồn nước có đỉa và uống nhầm cả con đỉa, sinh vật này có thể lọt vào cơ thể và ký sinh ở một số bộ phận.
Đỉa có thể sống trong một thời gian nhất định tại các cơ quan tạng rỗng như họng, hầu, thực quản, lỗ tai, lỗ mũi. Nó cũng có thể tồn tại ở một số chỗ vùng kín trên cơ thể như bộ phận sinh dục nam, nữ, niệu đạo và bàng quang của con người...
Khi sống trong các cơ quan đó đỉa sẽ hút máu và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc hoặc bán tắc nghẽn một cơ quan nào đó. Từ đây nó gây xuất huyết, ho khạc ra máu như mũi, hầu họng, phế quản - phổi từ nhiều tuần đến nhiều tháng trước khi bị phát hiện. 
Trong y văn thế giới và cả Việt Nam từng ghi nhận một số trường hợp đặc biệt bị đỉa sống ký sinh trong cơ thểĐơn cử như trường hợp bệnh nhân Lê Khắc Thái, 36 tuổi ở Hương Khê, Hà Tĩnh nhập viện với các triệu chứng khàn tiếng lâu ngày, buồn nôn, ho khạc ra máu…Tai anh Thái được nội soi, và phát hiện có dị vật trong thanh quản, nghi đó là một con đỉa. Các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật đó ra ngoài. Dị vật được gắp ra chính là một con đỉa, to gần bằng ngón tay, dài hơn 6 cm. 
Theo bệnh nhân,có khả năngcon đỉa kí sinh trong cơ thể do cách đây gần một tháng anh đi làm cao su trong rừng và dùng nước khe để rửa mặt. Rất có thể con đỉa đã chui vào mũi anh và xuống cổ họng ký sinh trong thanh quản.
Tiếp đó trường hợp cháu bé 11 tuổi ở Nghệ An bị một con đỉa sống nhiều ngày trong thanh quản. Mặc dù không biết con đỉa chui vào cơ thể bệnh nhi này khi nào nhưng theo người nhà cháu bé, sinh vâth này có thể đã chui vào cơ thể cháu trong 1 lần cháu đi tắm và uống nước suối.
Thu Nguyên