Thời gian qua, thị trường Việt Nam dần xuất hiện nhiều hơn các loại đồ uống được quảng cáo có công dụng giải rượu (hangover solution). Các sản phẩm này không chỉ xuất hiện ở cửa hàng tiện lợi mà còn được bày bán ở hiệu thuốc.
Hiệu quả chưa được chứng minh
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định: “Hệ thống y tế trong nước và thế giới đã có các phác đồ điều trị chính thức với bệnh nhân ngộ độc ethanol, trong đó, say rượu là một dạng triệu chứng. Tuy nhiên, chúng ta chưa ghi nhận bất cứ loại thuốc nào có khả năng giải độc ethanol”.
Theo TS Nguyên, bệnh nhân ngộ độc rượu khi nhập viện sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác và vẫn có kết quả tốt nếu đến kịp thời. Các sản phẩm giải rượu được bày bán trên thị trường hiện nay dù được cấp phép ở mức độ nhất định, chúng hoàn toàn không có hiệu quả và không được sử dụng trong y tế.
|
Nhiều sản phẩm đồ uống giải rượu được nhập khẩu từ Hàn Quốc xuất hiện trong các bộ phim truyền hình đang được nhiều người Việt Nam sử dụng. Ảnh minh họa: Locobee.
|
“Các sản phẩm này chứa một số thành phần khác nhau như vitamin, thảo dược hay các yếu tố được cho là bổ gan... Các thành phần này có thể có tác dụng nhất định trên nghiên cứu tế bào, động vật nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ở mức độ này, chúng không thể được ứng dụng chính thức trên bệnh nhân cũng như hệ thống y tế”, TS Nguyên giải thích.
Thực tế, hiệu quả của các loại thực phẩm hỗ trợ chức năng gan, bổ gan trên thị trường chưa rõ ràng, nếu có cũng rất hạn chế. Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết Việt Nam có một số ít thuốc giải độc gan thực sự nhưng là những thuốc rất đặc biệt, được chỉ định hẹp trong cấp cứu hồi sức.
Làm gì khi bị ngộ độc rượu?
“Nguyên tắc đầu tiên để hạn chế tác động xấu của rượu với cơ thể là uống ít nhất có thể. Tuy nhiên, một số người phụ thuộc và tin tưởng vào công dụng của nước giải rượu nên không hạn chế, thậm chí uống nhiều hơn. Hành động này đặt sức khỏe của người dùng ở tình thế đáng báo động”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quốc Vương.
|
Ngoài ra, nếu sử dụng, người dân cũng cần chọn các sản phẩm được sản xuất chính thống, có cơ sở kinh doanh rõ ràng, đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn chúng ta đặt ra. Mọi người cần tránh mua các sản phẩm giải rượu trôi nổi, bày bán trên mạng bởi chúng mang lại rủi ro khá lớn.
Trong trường hợp say, ngộ độc rượu nhẹ, người xung quanh cần tránh để bệnh nhân tự lái xe. Khi người bệnh còn có thể nói chuyện, tự đứng và không nôn, chúng ta nên nhắc họ ăn đủ, đặc biệt là các thực phẩm chứa tinh bột như cơm, bún, miến, phở.
Việc uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước chứa chất khoáng như oresol, nước quả, nước rau, cũng giúp bệnh nhân bù muối khi ngộ độc. Ngoài ra, chúng ta nên ủ ấm, tránh để bệnh nhân bị lạnh, đồng thời theo dõi kỹ, đề phòng triệu chứng bất thường.
Với tình trạng ngộ độc rượu nặng, chúng ta có thể xác định thông qua các triệu chứng như không nói được, không ngồi được, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng miệng, lạnh toát, vã mồ hôi, tím tái… Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay theo điều kiện hiện có như hô hấp nhân tạo, nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi, đồng thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
TS Nguyên cũng gợi ý trong những bữa nhậu, việc ăn các thực phẩm chứa chất béo như dầu, mỡ cũng làm giảm tốc độ hấp thu của rượu, khiến quá trình say chậm hơn. Bên cạnh đó, một số thực phẩm như rau, quả cũng rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa rượu, qua đó giảm cảm giác mệt mỏi khi say.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh các mẹo này không khiến lượng ethanol được cơ thể hấp thu thay đổi. Với số lượng lớn, rượu vẫn tạo ra các tổn thương đáng kể tới gan.
Theo Zingnews