Dạo gần đây, tôi thấy chị em liên tục bàn tán về vấn đề Tết nhà nội - nhà ngoại.
Ai cũng chung tâm trạng trạng não nề vì thu không đủ chi. Có người tâm sự, năm nào chồng cũng được thưởng 40 triệu nhưng vẫn thấy thiếu. Người lại kêu chuyện mẹ chồng, nàng dâu khắc khẩu vì quà Tết không đủ thành ý…
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhà có điều kiện khá giả, mua sắm có thể thoáng nhưng nhà nào khó khăn, nếu biết cân đối, cũng có thể sắm Tết tươm tất.
|
Ảnh minh họa. |
Tất nhiên, đồng lương ít ỏi mà vẫn có thể đảm bảo cuộc sống và sắm Tết không phải là dễ dàng.
Tôi cho rằng, việc quà cáp, mua sắm cho gia đình vào dịp này phải tùy cơ ứng biến, sao cho phù hợp hoàn cảnh của mình. Như vậy, Tết mới không trở thành gánh nặng.
Vợ chồng tôi làm công nhân, 6 năm trước xí nghiệp làm ăn khấm khá, thưởng Tết được 5 triệu.
Tuy nhiên, từ ngày khủng hoảng, nơi chúng tôi làm việc bắt đầu cắt giảm mọi khoản, từ chế độ phúc lợi như nghỉ mát, sinh nhật cho đến lương, thưởng Tết.
2 năm nay, tính ra Tết vợ chồng tôi chỉ được thưởng 3 triệu/1 người. Thêm lương 2 vợ chồng, mỗi người 3 triệu rưỡi. Dịp Tết nhà tôi có 13 triệu.
Tôi bàn với chồng, biếu nội - ngoại, mỗi bên 1 triệu, kèm 1 con gà, 1 cân giò lụa. Sau đó đổi 1 triệu tiền mừng tuổi, loại mệnh giá 10 nghìn đồng. Tổng cộng hết 3 triệu.
Do kinh tế khó khăn, tôi thống nhất với bố mẹ hai bên sẽ cắt giảm phần quà cáp cho họ hàng.
Mua sắm cho gia đình nhỏ chỉ trong khoản tiền 3 triệu. Số tiền này, tôi mua bánh kẹo, đôi gà, bánh chưng, hoa quả thắp hương trên ban thờ và đêm giao thừa, 1 kg thịt bò, rau cỏ…
Tất nhiên với số tiền ít ỏi, tôi không thể mua loại đắt tiền mà sẽ chọn lựa các sản phẩm hợp túi tiền nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ví dụ, bánh kẹo do các hãng trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mà vẫn ngon, giá thành rẻ. Do nhà ít người, tôi cũng chỉ mua 1 cặp bánh chưng thắp hương… Mọi thứ mua về đủ dùng, không thừa mứa quá mức.
Quần áo mới cho các con và vợ chồng cũng không quá cần thiết. Nếu mua, tôi thường tìm đến các địa điểm bán hàng hạ giá.
Cây cảnh trong nhà, hai vợ chồng mua 1 cành đào nhỏ, giá khoảng 150 nghìn đồng, cắm lọ hoa trên ban thờ và chậu cúc đại đóa đặt cạnh ghế sofa là thành không khí Tết.
Hai khoản quần áo và hoa chỉ được phép dao động trong khoảng 1 triệu đồng. Ngoài ra, tôi tiết kiệm 1 triệu đồng, phòng khi ốm đau.
Tất cả các khoản là 8 triệu đồng, tôi dư được 5 triệu đồng. Số tiền này, phục vụ cho ăn uống, xăng xe, đám hiếu hỉ …
Xuất hành đầu năm, chúng tôi chọn địa điểm chùa chiền, danh lam thắng cảnh quanh thành phố để đỡ mất thêm tiền. Đặc biệt, sau Tết, gia đình tôi không sợ lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau.
Sau Tết con tôi sẽ được thêm 1 triệu tiền mừng tuổi. Số tiền này tôi dùng đóng học phí cho con.
Nghe tôi kể, vài người bạn thân không tin. Họ nghĩ mức chi tiêu ở thành phố lớn, công thức tính toán chi tiêu của tôi là bất khả thi. Nếu làm được thì cuộc sống quá kham khổ.
Tuy nhiên, tôi thấy bài toán chi tiêu này hoàn toàn phù với gia đình có mức thu nhập thấp. Quan trọng mình nghiêm túc thực hiện và không vung tay khi mua sắm.
Bản thân chồng tôi cũng ủng hộ việc tính toán chi phí của vợ. Vì thế, dù kinh tế eo hẹp nhưng Tết đến, chúng tôi luôn cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng.
Theo Mỹ An/Vietnamnet