Thưa bác sĩ, tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca từ năm 2021. Vậy tôi còn nguy cơ bị cục máu đông hay không? (Lê Quang Nhật - Hà Nội).
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope (California, Mỹ), tư vấn:
Bạn không cần phải lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca. Bởi tỷ lệ người bị cục máu đông khi tiêm vắc xin này chỉ 2/100.000 người, tương đương 0,002% đối với người 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ này ở người dưới 60 tuổi tương đương 2-3/100.000 người.
Trong khi đó, tỷ lệ người mắc Covid-19 bị cục máu đông là khoảng 6-26% ở tĩnh mạch và khoảng 0,7-3,7% ở động mạch, cao hơn khi bạn tiêm vắc xin. So sánh nguy cơ của bệnh Covid-19 với phản ứng phụ của vắc xin, người ta vẫn khuyên dùng vắc xin. Những người đã tiêm vắc xin từ 2-3 năm trước không cần lo lắng.
Nếu sợ cục máu đông hình thành trong cơ thể, bạn nên nhớ các yếu tố khác sau đây còn nguy hiểm hơn như xơ vữa động mạch, các bệnh về tim (rung tâm nhĩ, suy tim, bệnh về van tim), đái tháo đường, ung thư, béo phì, cholesterol cao, phụ nữ mang thai, ngồi quá lâu hoặc nằm giường liên tục, hút thuốc lá, gia đình có tiền sử đông máu. Để tránh xa những nguy cơ cục máu đông, bạn nên ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, tư vấn thêm:
Cục máu đông xảy ra trong 2 tuần sau tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Đây là tác dụng phụ rất hiếm gặp. Cơ chế gây ra cục máu đông do tiêm vắc xin vào người (loại vắc xin làm từ adenovirus) sẽ kích hoạt tiểu cầu (1 loại tế bào máu), tiểu cầu giải phóng ra PF4 là 1 loại protein. Ở một số người, hạt vắc xin và PF4 trái điện tích nên hút nhau tạo thành cục, do đó gây cục máu đông. Hết hạt vắc xin, tiểu cầu trở về bình thường, không có PF4 sẽ không còn nguy cơ cục máu đông.
Cục máu đông không chỉ xuất hiện sau tiêm vắc xin AstraZeneca, những người mắc Covid-19 cũng có thể gặp phải tình trạng này. Thậm chí, người ta thấy rằng nguy cơ này có thể xảy ra 6 tháng sau khi mắc.
Vì vậy, cộng đồng không nên lo lắng đột quỵ do cục máu đông. Bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát để xác định cơ thể có bị cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu hay không. Đồng thời, tạo thói quen tốt như tập luyện, bỏ thuốc lá, bia rượu. Tìm hiểu các kiến thức về đột quỵ dấu hiệu, sơ cứu để có xảy ra cơn đột quỵ, bạn có thể đến bệnh viện sớm.
Theo Phương Thúy/Vietnamnet