Trung bình, người trưởng thành đi tiểu khoảng 6-8 lần/ngày. Vì vậy, nếu bạn đi tiểu hơn 8 lần trong ngày được coi là bất thường. Chúng ta đi tiểu nhiều lần là do đường tiết niệu bị ảnh hưởng.
Đường tiết niệu gồm các cơ quan như thận, ống dẫn nước tiểu (niệu quản), bọng đái, niệu đạo. Ngoài ra, tuyến tiền liệt cũng là một phần quan trọng trong hệ tiết niệu và có thể dẫn đến đi tiểu nhiều ở nam giới.
Nguyên nhân gây tiểu nhiều
Khi đến bệnh viện thăm khám, bạn sẽ được bác sĩ khai thác về bệnh sử, thậm chí những chi tiết cá nhân như việc quan hệ tình dục. Ngoài ra, nhân viên y tế sẽ xem lại các thuốc người bệnh đang sử dụng và thực hiện một số xét nghiệm. Để điều trị tiểu nhiều lần trong ngày, bác sĩ sẽ dựa trên những nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tiểu nhiều lần:
Các bệnh liên quan đường tiết niệu: Một số bệnh như nhiễm trùng đường tiểu (UTI), viêm thận, sạn thận, hư thận, đại phì tuyến tuyền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, bọng đái nhạy cảm, co giãn cơ bọng đái là những lý do hay gặp nhất dẫn đến tiểu nhiều lần và tiểu đêm.
Các bệnh lý khác: Bệnh tiểu đường, tim mạch, tâm thần, uống rượu nhiều, phụ nữ có thai hay mắc vấn đề về đường ruột mạn tính cũng có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần. Đặc biệt với bệnh tiểu đường, bạn cần chữa trị dứt điểm để kiểm soát vấn đề này.
Tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư: Rất nhiều thuốc hóa trị ung thư có tác dụng phụ khiến tiểu nhiều hay kích thích đường tiểu, ví dụ như Cisplatin. Các trị liệu khác như xạ trị vùng chậu để chữa ung thư ruột, bọng đái..., có thể kích thích cơ quan này và làm ảnh hưởng đến đường tiểu.
|
Chúng ta đi tiểu nhiều lần trong ngày là do đường tiết niệu bị ảnh hưởng. Ảnh: Listelist.
|
Cắt bỏ tuyến tiền liệt, tử cung, âm đạo do ung thư: Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tiểu nhiều và khó chịu đường tiểu.
Tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần là thiazide diuretics (Chlorothiazide, Hydrochlorothiazide), potassium-sparing diuretics (Triamterene) hay loop diuretics (Furosemide và Bumetanide).
Tổn thương cơ quan gần đường tiết niệu: Đó là những tổn thương lên cơ bắp hay xương vùng chậu, ảnh hưởng đến bọng đái và đường tiết niệu. Ngoài đi tiểu nhiều, bệnh nhân còn có thể xuất hiện triệu chứng đau nhức, rát buốt, muốn tiểu ngay, khó tiểu, tiểu không kiểm soát, có mùi khó chịu.
Nên gặp bác sĩ
Khi bị thay đổi thói quen tiểu tiện kéo dài, bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Đặc biệt là các thay đổi đột ngột, bạn không sử dụng thuốc mới hay phẫu thuật, làm ảnh hưởng giấc ngủ và dẫn đến bệnh lo âu khác.
Tuy nhiên, đi tiểu nhiều và có thêm các triệu chứng như ra máu, nước tiểu đổi màu (đỏ, đen, nâu sậm), đau, rát buốt, khó tiểu, tiểu không kiểm soát..., bạn cần đến gặp bác sĩ sớm hơn. Bởi đây là những dấu hiệu nguy hiểm, nguy cơ sạn thận, ung thư.
Ngoài ra, bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh, đau bụng, lưng, sụt cân, mê sảng kèm theo tiểu nhiều cũng cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế điều trị.
Hệ tiết niệu là bộ máy lọc chất thải, rất quan trọng trong cơ thể mà chúng ta thường bỏ quên. Chúng ta thường nhịn tiểu và ít uống nước... Tất cả đều có thể dẫn đến tổn thương hệ tiết niệu.
Theo Zing