Chồng tôi thuộc mẫu đàn ông lý tưởng dành cho gia đình với tính tình hiền lành, chịu khó, yêu thương vợ con. Trước khi gật đầu đồng ý gả cho anh tôi đã ngầm tính toán kĩ lưỡng: lương của anh hơn chục triệu đồng mỗi tháng, tôi sẽ giữ tất cả coi như đó là một khoản tiền tiết kiệm cho những dự định lớn sau này, lương tôi thấp hơn thì để trang trải sinh hoạt phí.
Chắc chắn nếu biết cân đối chi tiêu, cuộc sống của hai vợ chồng sẽ không quá khó khăn, thậm chí sau một thời gian có thể tính tới chuyện mua đất, làm nhà “an cư lạc nghiệp”. Ấy vậy mà mọi kế hoạch vạch sẵn đều tan thành bọt biển vì nhân vật quyền lực nhất nhà mang tên mẹ chồng.
Bố mẹ chồng tôi đều là công chức về hưu, bà không quá khó tính nhưng kĩ tính và cầu toàn, kinh tế trong nhà đều do một tay bà quản lý. Sau khi tôi về làm dâu, mỗi tháng chúng tôi vẫn góp đều đặn một khoản phụ giúp bà trang trải.
Tôi chưa bao giờ thấy bà nhắc nhở chuyện tiền nong trực tiếp với mình, chỉ thấy bóng gió xa gần nhiều đám đình, cưới xin, ma chay tốn kém hoặc than thở đồ đạc thiếu cái nọ, hỏng cái kia với con trai. Mỗi lần như vậy chồng tôi lại ngoan ngoãn đưa thêm tiền cho mẹ.
Số tiền hàng tháng tôi góp cũng không phải ít nhưng bà vẫn chưa hài lòng mà liên tục gián tiếp “vòi” tiền từ chồng khiến tôi cảm thấy bực bội vô cùng.
|
Ảnh minh họa |
Đỉnh điểm hôm vừa rồi, bà chẳng e dè nể nang gì trực tiếp gọi tôi nói chuyện và tuyên bố một việc khiến tôi sốc tận óc. Bà nói: “Bố mẹ cũng già rồi, sức khỏe yếu không đủ khả năng làm ra tiền. Hai vợ chồng các con còn trẻ lại ở cùng bố mẹ nên từ giờ trở đi bố mẹ sẽ giao toàn quyền thu chi cho các con quyết định”.
Tôi giận sôi người khi thấy bà đưa ra đề nghị vô lý như vậy, nói trắng ra vợ chồng chúng tôi phải chịu tất cả mọi khoản chi tiêu, nuôi cả hai ông bà. Lương của vợ chồng tôi sao có thể đủ cho bốn miệng ăn chứ nói gì đến việc để ra làm vốn?
Tôi cũng chẳng phải vừa mà “bật” lại bà ngay: “Chúng con có khó khăn mới phải nhờ cậy bố mẹ, nếu mẹ tính như vậy con sẽ xin phép được ở riêng”.
Chồng tôi tròn mắt vì ngạc nhiên còn bố mẹ chồng đều im lặng không nói gì thêm, tôi vô cùng hả dạ cho rằng mình đã giành phần thắng.
Kể từ hôm đó không khí trong gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn, chồng tôi giận vợ “hỗn láo” mà cả tuần không thèm động đến người vợ một lần.
Tôi nhớ chồng, đêm đến cố tình ăn mặc thiếu vải sexy, khơi gợi, mon men động chạm ngỏ ý muốn làm hòa nhưng anh gạt đi, quay lưng lại ngủ một mạch tới sáng.
Khi tôi đang rục rịch mua sắm đồ dùng ra ở riêng, mẹ chồng tôi chủ động cho hai vợ chồng một trăm triệu làm vốn. Thế nhưng chưa kịp vui mừng bao lâu tôi đã tái mặt với quyết định phía sau của bà.
Bà mở một cuộc họp gia đình nghiêm túc để thông báo về việc chúng tôi ở riêng và công khai khoản tiền bà đã cho tôi, đồng thời ông bà cũng lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em trai bao gồm đất, nhà đang ở và một căn chung cư trên thành phố ông bà bí mật mua từ lâu.
Lúc này, tôi mới tỉnh ngộ, 100 triệu bà cho quả thực chỉ như muối bỏ biển so với khối tài sản mà em chồng được hưởng. Tôi thắc mắc cùng là con trai nhưng sao ông bà lại thiên vị như vậy thì mẹ chồng chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng giải thích: “Tài sản của bố mẹ vất vả cả đời, mẹ có quyền để lại cho ai xứng đáng”.
Hóa ra tất cả chỉ là phép thử, bà cố tình đưa ra “bài toán khó” về vấn đề phụng dưỡng bố mẹ già, vậy mà mới chỉ nghe qua tôi đã giãy nảy phản đối vì sợ thiệt về mình. Ngược lại, vợ chồng em trai vui vẻ nhận lời ngay, còn ngỏ ý mời bố mẹ đến ở cùng gia đình chú ấy.
Đến giờ, tôi đã biết mình sai ở đâu rồi, tôi muốn xin bố mẹ chồng tha thứ nhưng vẫn còn ngại ngùng chưa biết mở miệng thế nào.
Theo Infonet