Tỏi tốt nhưng chuyên gia chỉ ra 4 nhóm người nên tránh ăn

Google News

Tỏi có nhiều tác dụng trong việc phòng và điều trị bệnh. Song nếu không biết những trường hợp phải hạn chế ăn tỏi, bạn sẽ rước thêm bệnh vào người.

Toi tot nhung chuyen gia chi ra 4 nhom nguoi nen tranh an

Tỏi không chỉ là loại gia vị thiết yếu trong nhà bếp, chúng còn có nhiều tác dụng trong việc phòng và điều trị một số bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Tỏi không chỉ là loại gia vị thiết yếu trong nhà bếp, giúp làm tăng hương vị cho món ăn, chúng còn có nhiều tác dụng trong việc phòng và điều trị một số bệnh tim mạch, nhiễm trùng, ung thư, xương khớp. Tuy nhiên, một số người quan niệm ăn càng nhiều sẽ càng tốt. Điều này có thực sự đúng?

9 tác dụng của tỏi

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, tỏi rất giàu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, 100 g tỏi có chứa 6,36 g protein, 33 g carbohydrates, 150 g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho…

Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin.

Tỏi giúp giảm cân

Allicin trong tỏi được chứng minh có tác dụng giảm cân, dựa trên nghiên cứu tại Hàn Quốc năm 2011, nhờ tác dụng đốt cháy chất béo, làm giảm cholesterol xấu. Chúng còn giúp tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, nhất là khi kết hợp tập thể thao đều đặn.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Tỏi giúp làm giảm 1/2 nguy cơ đau tim và đột quỵ do có tác dụng làm giảm xơ vữa động mạch, hạ triglycerid, ức chế tích tụ tiểu cầu gây đông máu. Theo các nghiên cứu, tỏi có thể giảm 38% nguy cơ mắc bệnh tim, giảm hơn 50% nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Giảm huyết áp

Theo bác sĩ Hải Nam, hiện gần 25% người trưởng thành có cao huyết áp. Tỏi còn có tác dụng giảm huyết áp do giảm độ nhớt của máu, lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng giãn cơ, giãn mạch máu, từ đó dẫn tới giảm huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp được khuyên nên ăn vài tép tỏi mỗi sáng để hạ áp.

Toi tot nhung chuyen gia chi ra 4 nhom nguoi nen tranh an-Hinh-2

Tỏi còn có tác dụng giảm huyết áp. Ảnh: Thelifehype.

Giảm đường máu

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ. Ngược lại, tỏi giúp hạ đường huyết tự nhiên, giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đột quỵ. Không chỉ vậy, loại thực phẩm này còn giúp cải thiện các triệu chứng do ngộ độc chì.

Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư

Theo nhiều nghiên cứu, tỏi có công dụng đáng kể trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Cụ thể, tỏi ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó, tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của độc tố, kim loại nặng, chất gây ung thư đối với cơ thể. Đồng thời, germanium và selen trong tỏi giúp chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.

Về khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, các hoạt chất trong tỏi có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của khối u, giảm kích thước của khối u tới 50%. Tỏi có công dụng ngăn ngừa, hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của các loại ung thư như: Ung thư vú, dạ dày, vòm họng, đại tràng, thực quản, tiền liệt tuyến, gan, bàng quang...

Phòng ngừa cúm

Hợp chất Sulfur trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm cực mạnh. Sử dụng tỏi hàng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Việc ăn tỏi sống mỗi ngày giúp giảm 63% nguy cơ bị cảm cúm, giúp rút ngắn 70% thời gian bị cảm, phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Cải thiện chức năng xương khớp

Các chất trong tỏi như vitamin C, vitamin B6, mangan, kẽm cùng các chất chống oxy hóa và enzyme... có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn thoái hóa xương, nâng cao khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, giúp xương chắc khỏe hơn.

Với phụ nữ, việc ăn tỏi giúp làm chậm quá trình loãng xương bằng cách tăng cường nội tiết tố estrogen. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh về xương khớp, tỏi có tác dụng giảm triệu chứng đau nhức rõ rệt.

Cường dương

Loại thực phẩm này giúp tăng khả năng tình dục ở nam giới, đặc biệt là những người nhược dương hay liệt dương. Điều này nhờ sản sinh ra men nitric oxide synthase, cần cho sự cương cứng.

Ăn 1-2 nhánh tỏi/ngày liên tục trong khoảng 2 tháng sẽ giúp tăng số lượng tinh trùng trong tinh dịch. Chất creatinine, allithiamine được tạo bởi vitamin B1 và allicin của tỏi. Đây là thành phần chính tham gia vào hoạt động cơ bắp, nâng cao thể lực cho nam giới.

Ngăn ngừa bệnh Alzheimer

Tỏi giúp bảo vệ tế bào não, chống lại quá trình lão hóa, làm giảm cholesterol, hạ huyết áp. Vì thế, ăn tỏi sống mỗi ngày giúp ngăn ngừa hiệu quả các bệnh về thần kinh như bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Toi tot nhung chuyen gia chi ra 4 nhom nguoi nen tranh an-Hinh-3

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K. Ảnh: BSCC.

Làm đẹp da

Allicin trong tỏi có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và cản trở hoạt động của gốc tự do, giúp phòng ngừa mụn trứng cá và các bệnh ngoài da khác.

Ai nên tránh ăn tỏi?

Theo bác sĩ Nam, việc ăn quá nhiều tỏi hoặc sử dụng không đúng cách sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc. Những đối tượng cần tránh sử dụng tỏi, bao gồm:

Người chuẩn bị phẫu thuật, dùng thuốc chống đông: Tỏi có tác dụng làm loãng máu, ngăn hình thành huyết khối, ức chế ngưng tập tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy, mất máu. Người ăn nhiều hơn 12 g tỏi mỗi ngày (hơn 4 tép) sẽ có nguy cơ bị chảy máu nhiều hơn khi phẫu thuật.

Hôi miệng: Tỏi chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, có thể gây hôi miệng, đặc biệt là khi ăn với lượng lớn, ăn sống. Tỏi được nấu chín thì hàm lượng lưu huỳnh giảm đi, ít gây tình trạng này hơn.

Người bị đầy hơi, đau dạ dày: Tỏi chứa nhiều Fructose, có thể gây đầy hơi và đau dạ dày ở những người có tình trạng không dung nạp Fructose. Fructose khi ấy không được tiêu hoá ở ruột non, xuống thẳng đại tràng, lên men ở đó gây đầy hơi và các vấn đề tiêu hoá khác. Những người đã có sẵn bệnh nền của đường tiêu hoá nên thận trọng khi sử dụng tỏi.

Người bị trào ngược dạ dày, thực quản

Tỏi có thể làm giảm trương lực của cơ thắt dưới thực quản, cơ giúp cho việc tránh để thức ăn ở trong dạ dày khi co bóp, bị đẩy ngược lên thực quản. Khi cơ này yếu, đầu trên dạ dày đóng không kín, dẫn tới tình trạng trào ngược thức ăn và acid lên trên thực quản, gây cảm giác bỏng rát, ợ nóng, buồn nôn.

Các nghiên cứu cho thấy chỉ nên sử dụng 1-2 tép tỏi mỗi ngày (tương đương 3-6 g) là tốt nhất cho sức khoẻ của chúng ta.

Theo Phương Anh/Zing