Ba mất sớm, mẹ tôi lấy chồng khác. Tôi lên đại học 4 năm, sống như thế nào, mẹ cũng không biết. Mẹ nói mẹ bận buôn bán. Tôi bệnh nằm bệnh viện 1 tuần, mẹ lên một buổi vì sợ bỏ quán sẽ mất khách.
Lâu dần, tôi mất tình cảm với mẹ. Ở xa mẹ cũng giúp tôi cảm thấy thoải mái phần nào. Rồi tôi lấy chồng, sinh hai đứa con, một trai một gái, mẹ tôi cũng chỉ lên dăm lần. Tình cảm mẹ con ngày càng phai nhạt.
Đỉnh điểm là khi tôi ly hôn. Với áp lực đè nặng trên vai, những mong mẹ sẽ đón ba mẹ con tôi về nhà, nào ngờ, mẹ chỉ nói về quê làm sao sống được. Thật khó để nói hết những hụt hẫng ở trong tôi. Tôi đành phải một thân một mình bươn chải nuôi hai con ở cái đất thành phố đụng đâu cũng cần tiền.
|
Tôi từng cảm thấy chỉ có hai mẹ con chỉ vì không nhờ tới sự giúp đỡ của bà ngoại. Ảnh minh họa. |
Vì phải cân nhắc nhiều thứ, quyết định nghỉ học trong tuần lễ đầu tiên đến khá trễ. Thực lòng tôi không biết phải xoay sở thế nào. Không thể gửi đại con ở nhà cô giáo, rủi con bệnh thì biết làm thế nào, lúc đó lại còn khổ hơn.
Lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa từng nhờ mẹ bất cứ điều gì. Cũng không mở miệng một lời với mẹ. Sự xa cách về địa lý khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Rồi tự dưng con virus corona xuất hiện. Các con phải nghỉ học ít nhất 1 tuần. Mà tôi cho rằng, kỳ nghỉ này không chỉ một tuần…
Mà tôi không thể nghỉ việc. Một tuần có thể được, công ty có thể châm chước, nhưng sau đó thì sao? Dịch đâu dễ dàng dập như vậy. Với tình hình diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, nó không khiến tôi cảm thấy xin nghỉ là đúng. Rồi chưa kể, kinh tế khó khăn, cần phải giữ công ăn việc làm của mình để còn nuôi con nữa chứ.
Bất khả kháng, chỉ còn một cách là gửi con về quê nhờ mẹ giữ giúp. Ở quê tôi chưa có trường hợp nào nhiễm corona, thời tiết khá nóng nên có thể con sẽ được an toàn hơn ở thành phố. Chỉ có điều, tôi ngại mở lời với mẹ. Chỉ có điều, tôi cũng lo lắng mẹ có thể chăm hai đứa trẻ hiếu động không, nhất là mẹ đang bán quán một mình?
Lo lắng chưa biết tính sao, thì mẹ tôi gọi điện. Mẹ nói để mẹ giữ, mẹ sẽ thu xếp. Đến lúc đó, tôi cũng không còn cách nào, phải xin phép công ty nghỉ một hôm để đưa con về quê.
Trên đường đi, tôi nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh của mình và của mẹ. Bạn bè tôi ai cũng nói tôi giống mẹ ở ngoại hình. Nhưng thật ra, tôi và mẹ còn giống nhau ở số phận. Cùng đơn thân nuôi hai con với bao vất vả, vậy mà, tôi chưa từ mở lòng thông cảm với mẹ, chỉ liên tục trách móc vì sao mẹ không hiểu mình!
Một rồi hai tuần, tôi dần hiểu nỗi vất vả của mẹ. Mẹ cũng hiểu hơn tôi chăm 2 con cực thế nào. Hai đứa trẻ rất nghịch, chúng cũng không được tôi chăm sóc nhiều vì tôi còn cật lực kiếm tiền. Nghĩ đến đây, mới giật mình, sao mà mình giống mẹ đến vậy!
Chắc ngày xưa, mẹ cũng vất vả không thua gì tôi khi chồng mất quá sớm, con nhỏ dại. Lấy thêm chồng để đỡ đần, ngờ đâu ông dượng cũng nát rượu như ba tôi. Cả ba và dượng tôi đều mất sớm vì rượu. Mẹ tôi đến giờ vẫn vất vả vì tôi không hề dư dả để có điều kiện lo lắng cho bà.
Mẹ tôi có lẽ cũng đã hiểu việc chăm hai con nhỏ, từ chuyện ăn uống, tắm rửa, chơi bời của chúng đã khiến tôi kiệt sức đến dường nào. Những lần về thăm con lại thấy thương chúng hơn, lại thấy con giống mình ngày nhỏ, khi bà ngoại bận bán hàng, cũng phải tự chơi với nhau.
Corona có thể làm kinh tế trì trệ nhưng lại giúp mẹ con tôi hiểu nhau hơn. Sau 2 tuần giữ bọn trẻ, mẹ tôi đã bắt đầu quấn quít chúng, chúng cũng khá ngoan, dù rất nghịch. Lại thêm 2 tuần xa con, nhưng cũng có 2 lần tôi được về thăm con, được thăm mẹ. Chỉ tính khoảng 1 tháng dịch bệnh mà tôi thăm bà nhiều hơn cả năm qua. Tôi chợt nhận ra những lần mình về thăm con, không chỉ có hai con tôi vui mà tôi thấy mẹ cũng vui hơn nhiều.
Có lẽ phải cảm ơn corona, vì trong hoạn nạn, thấy mình may mắn vì còn có gia đình và còn có mẹ.
Theo Trúc Linh/Phunuonline