Khi tôi quyết định xung phong đi biệt phái trong đợt thuyên chuyển giáo viên đầu năm học, mọi người rất bất ngờ. Bởi tôi không nằm trong diện phải đi và công việc ở trường đang thuận lợi. Nhà tôi chỉ ở cách trường vài trăm mét, tiện cho việc đi lại và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
Đợt đi biệt phái lần này có thời hạn hai năm. Ngôi trường mới cách nhà tôi 70 km, đi lại khá vất vả. Chồng tôi gần như nổi khùng khi biết tôi tự ý viết đơn xin tình nguyện đi thay đồng nghiệp. Anh bảo tôi có vấn đề vì không ai dại đâm đầu vào chỗ xa xôi vất vả.
|
Chồng tôi vốn quen với việc vợ quán xuyến mọi việc trong nhà. Ảnh minh hoạ |
Thậm chí anh còn nghi ngờ tôi ngoại tình nên muốn xa chồng con để tự do bay nhảy. Tôi đã quá quen với tính cách gia trưởng áp đặt của chồng nên im lặng, nhưng nhất quyết không rút đơn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi quyết định làm việc này, tôi muốn mình có cơ hội để thử thách nhiều thứ.
Vả lại trong tổ tôi, hầu như các chị em đều trong thời kì con nhỏ, chỉ có tôi con cái đã lớn. Nếu ai đó phải đi, sẽ vất vả hơn tôi. Và điều quan trọng, tôi muốn mình “buông” chồng con một thời gian để cả hai có cơ hội nhìn lại cuộc hôn nhân của mình.
Suốt 17 năm lấy nhau, chồng tôi chưa bao giờ đụng vào bất cứ việc gì trong nhà và luôn ỷ lại vào vợ. Do tôi dạy gần nhà nên hầu như việc con cái nhà cửa đều do tôi quán xuyến. Công việc của chồng không vất vả, làm theo giờ hành chính nhưng hết giờ làm anh mải nhậu nhẹt, vui vẻ ở bên ngoài.
Về đến nhà, tôi phải đi thu dọn từng chiếc tất, từng cái áo lót của chồng đem đi giặt vì anh quăng vung vãi khắp nơi. Nhiều lần, tôi ngỏ ý muốn anh chia sẻ việc nhà, bởi vào những đợt cao điểm thi đua, việc trường rất nhiều, nhưng anh đều tảng lờ.
Thậm chí anh còn bảo: “Đi dạy khoẻ re, trường cách nhà vài bước chứ có vất vả gì đâu mà em kêu ca”. Tôi cảm thấy anh không coi trọng công việc của mình và xem tôi phải có bổn phận phục vụ anh. Hai đứa con cũng vậy, việc gì cũng đến tay mẹ chứ không chịu động chân động tay dù đã lớn. Tôi muốn mình xa nhà một thời gian để chồng con có “cơ hội” tự lập.
Vậy là tôi quyết định đi trong sự phản đối của gia đình. Tôi luôn cố tự trấn an, không có mình ở nhà mọi việc vẫn ổn. Tôi ở tại khu tập thể của trường mới, một tuần về nhà một lần. Không còn bận bịu nhà cửa, tôi có nhiều thời gian cho bản thân và thấy mình như được sống lại một thời tuổi trẻ.
Tôi cập nhật tình hình ở nhà hàng ngày và thấy mình đã quyết định đúng đắn. Từ ngày vắng mẹ, ba bố con tự giác phân công nhau làm việc nhà. Buổi chiều, thay vì đi nhậu, chồng tôi phải về sớm để cơm nước cho con vì biết không ai làm. Hai đứa con phải tự giặt áo quần do không dám nhờ bố.
Toi xin di lam xa de... day chong
Khi tôi chuyển công tác xa nhà, anh đã thay đổi. Ảnh minh hoạ
Khoảng hai tuần đầu, cuộc sống của gia đình khá khủng hoảng, cứ đụng việc gì ba bố con đều gọi điện hỏi tôi. Hàng ngày, không biết bao nhiêu cuộc điện thoại với những câu hỏi: “Gạo để ở đâu?”, “Nồi nướng sử dụng như thế nào?”, “Cho dầu xả vào máy giặt ra sao”, “Luộc rau bao nhiêu phút”…
Nhưng về sau, mọi việc đi vào nề nếp, ba bố con quen dần với cuộc sống vắng mẹ. Cứ mỗi cuối tuần về nhà, tôi lại thấy sự thay đổi, nhà cửa gọn gàng hơn và chồng con bớt kêu ca phàn nàn. Ngạc nhiên hơn, tôi thấy chồng làm đất trồng rau vì đi chợ thấy rau củ đắt quá, còn biết mua thịt heo trữ đông vì sợ giá tăng cao.
Trước đây, tôi chưa từng dám đi xa nhà quá hai ngày. Tôi sợ không ai làm việc nhà, thậm chí tôi thường xuyên không đi liên hoan cùng đồng nghiệp để về nhà nấu cơm cho chồng con. Vì thế, những chuyến tham quan kéo dài cả tuần của trường tôi đều bỏ lỡ.
Tôi nhận ra một điểm yếu của mình cũng như nhiều phụ nữ có gia đình khác là không dám “buông” mà cứ ôm hết việc vào mình. Có lẽ sau khi kết thúc đợt đi biệt phát hai năm về lại trường cũ, cuộc sống gia đình tôi sẽ khác.
Theo Thuý Loan/phunuonline