TP.HCM: Nguy cơ dịch tay chân miệng “chồng” sốt xuất huyết

Google News

Số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết tại TP.HCM đang tăng nhanh, nhiều ca nặng, ngành y tế TP lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch.

Chăm con gái 16 tháng tuổi bị tay chân miệng (TCM) tại BV Nhi đồng 1 hơn tuần nay, chị HTHĐ (40 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) cho biết bé mới được cai máy thở.
“Khi con bị sốt, tôi không nghĩ bé mắc TCM rồi trở nặng độ III nhanh như vậy. May mắn bé đã qua cơn nguy kịch” - chị Đ thở phào.
Tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm
Hiện khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang điều trị 11 ca TCM nặng, tăng gấp đôi so với hai tuần trước. Trong số đó, có sáu ca thở máy, một ca vừa thở máy vừa lọc máu.
TP.HCM: Nguy co dich tay chan mieng “chong” sot xuat huyetBác sĩ BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhi đồng 1, tuần qua ngày nào khoa cũng tiếp nhận ít nhất một ca mắc TCM nặng. Đáng chú ý, bệnh nhi từ các tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 80%.
“Trường hợp nặng nhất tại khoa hiện đang vừa thở máy vừa lọc máu. Bệnh nhi nhập viện ngày 3/7 trong tình trạng khá nặng, trụy tim mạch, suy hô hấp nặng, mắc TCM độ IV (nguy kịch)” - BS Quang cho biết.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ca tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm. Từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận 573 ca khám ngoại trú, 111 ca điều trị nội trú. TS-BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, cho hay khoa đang điều trị khoảng 10 ca tay chân miệng nặng từ độ III. “Trung bình một ngày khoa tiếp nhận 3-4 ca mới. Sắp tới trẻ bắt đầu đi học lại, dự kiến ca mắc sẽ tăng” - BS Quí dự đoán.
Còn tại BV Nhi đồng TP, ca TCM cũng tăng cả về số lượt khám, điều trị nội trú và ca bệnh nặng. BS Lý Hoa Anh Minh, khoa Nhiễm, cho hay so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc TCM không cao hơn nhưng số ca nặng cao gấp 3-4 lần. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị 60-70 trẻ mắc TCM, trong đó có khoảng 15 ca nặng.
Sốt xuất huyết bắt đầu tăng
Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị 4-5 ca sốt xuất huyết (SXH) nặng, tăng gần gấp đôi so với tuần trước. Chị VTH (38 tuổi, ngụ Bình Phước) kể cách đây một tuần, con chị (15 tuổi) sốt cao 390C, BV huyện chẩn đoán SXH và điều trị, theo dõi. Hai hôm sau không đỡ nên gia đình xin chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Sáu tháng đầu năm 2023, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 3.786 lượt khám SXH. Riêng tháng 6 ghi nhận 422 ca, tăng hơn 100 ca so với tháng 5. “SXH Dengue chủng D2 vẫn chiếm đa số. Năm ngoái, dịch SXH cũng do chủng D2, nhiều người mắc nên đã có miễn dịch lớn trong cộng đồng. Năm nay nếu mắc lại cũng sẽ không nặng, trừ khi có chủng mới (D1, D3, D4) làm thay đổi vấn đề miễn dịch” - BS Quí nhận định.
Số ca mắc SXH đến khám và điều trị tại BV Nhi đồng 1 thời gian này tăng nhẹ. TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH - huyết học, cho biết khoa đang điều trị nội trú khoảng 15 ca SXH, ca nặng chiếm 15%. “Mùa mưa nên SXH tăng. Số ca có tăng nhiều hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng và tình trạng biến đổi của type virus gây bệnh” - BS Tuấn nói.
Còn tại BV Nhi đồng TP, số ca SXH bắt đầu tăng trong vòng hai tuần nay và tăng gấp ba so với tháng 5. Trung bình một ngày BV tiếp nhận khoảng 15 ca nhập viện, trong đó có khoảng hai ca nặng.
Lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch
“Không loại trừ khả năng dịch TCM diễn tiến phức tạp, tiếp nối là dịch SXH sẽ gây ra tình trạng dịch chồng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành y tế, nếu có tình trạng trên các BV đều sẵn sàng ứng phó” - BS Tuấn nhấn mạnh.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, TCM tiếp tục tăng và SXH đang vào mùa, nếu không phòng, chống tốt sẽ dẫn đến dịch chồng dịch. “Vừa chống dịch này vừa chống dịch kia, vừa chữa bệnh nặng này vừa chữa bệnh nặng kia, nhân viên y tế sẽ cực hơn nhiều. Hy vọng từ đây đến cuối năm sẽ có vaccine TCM và SXH” - BS Khanh nói.
Còn BS Quang (BV Nhi đồng 1) dự báo: “Từ giữa đến cuối tháng 7, số ca SXH sẽ bắt đầu tăng nhiều. Sợ nhất là dịch này chưa qua, dịch khác đã tới. BS đã quen với SXH rồi, hiện thuốc điều trị TCM cũng tương đối đầy đủ. Vấn đề quan trọng là làm sao để phụ huynh phát hiện bệnh sớm và đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời”.
BS Minh (BV Nhi đồng TP) cho hay mọi năm đây là thời điểm giảm bệnh TCM, ngành y tế tập trung điều trị SXH. Riêng năm nay dịch TCM bùng lên từ đầu tháng 6 và chưa có dấu hiệu giảm. Cạnh đó SXH vào mùa, dự báo tiếp tục tăng dễ dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
 
Cách phòng, chống sốt xuất huyết
Để phòng bệnh SXH, cần diệt lăng quăng và muỗi, tăng cường vệ sinh môi trường, tăng cường dinh dưỡng. Có thể thả cá bảy màu trong các hồ nuôi cá, đậy nắp, súc rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, sử dụng thuốc chống muỗi, nhang đuổi muỗi... Khi ngủ nhớ giăng mùng, kể cả ban ngày vì muỗi gây bệnh SXH chỉ chích vào ban ngày.
Nếu có các dấu hiệu như sốt cao 24-48 giờ không giảm, mệt mỏi, lừ đừ, da xung huyết… nên đến BV để khám và xét nghiệm, chẩn đoán SXH. Dấu hiệu nặng của SXH là đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiêu ra máu, chảy máu chân răng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.
TS-BS PHAN TỨ QUÍ,Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

Theo Thảo Phương/Plo