Nhiều năm khám và điều trị cho hàng trăm đối tượng bị mắc bệnh trầm cảm, PGS - TS Tô Thanh Phương - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) đặc biệt để tâm đến các trường hợp phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
BS Phương chia sẻ, hầu hết các trường hợp mắc trầm cảm sau sinh đều thuộc dạng cấp tính. Nếu không nhập viện kịp thời, dùng phác đồ tích cực điều trị, tình trạng bệnh có thể nặng hơn, gây ra những hậu quả nặng nề.
Một bệnh nhân điển hình, có nhiều biểu hiện đáng sợ, sau thời gian được BS Phương điều trị đã ổn định là người phụ nữ tên Lệ (Tuyên Quang) làm giáo viên tiểu học.
Qua lời kể của gia đình người bệnh, BS Phương được biết, Lệ bắt đầu phát bệnh khi sinh con khoảng 3 tháng.
Cô về nhà bố mẹ đẻ chơi. Bố Lệ phát hiện con gái có nhiều biểu hiện bất thường như: con khóc to cũng mặc kệ, không dỗ, không cho con bú, ít nói…
|
Ảnh minh họa. |
Hai tuần sau, Lệ phát bệnh nặng, không giao tiếp với mọi người xung quanh, cả ngày chỉ nằm bất động, mọi ăn uống, vệ sinh cá nhân đều không tự chủ.
Ông gọi con rể lên đón vợ xuống Hà Nội kiểm tra. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai và điều trị ở đây một thời gian, sau đó chuyển xuống bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Lúc này, bệnh nhân đang trong tình trạng không ăn, không nói, phải nuôi bằng đường xông.
Qua thăm khám lâm sàng, BS Phương chẩn đoán bệnh nhân mắc căn bệnh trầm cảm sau sinh khá nặng.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và điều trị chứng bệnh này, BS Phương cho bệnh nhân sử dụng biện pháp kích thích từ xuyên sọ, kết hợp thuốc. Suốt quá trình điều trị, ông khuyên người thân thường xuyên ở bên cạnh, kể câu chuyện vui vẻ, thủ thỉ tâm sự với bệnh nhân.
Khoảng 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt. Một tháng sau, Lệ bắt đầu đi lại, ăn uống bình thường.
Nghe gia đình kể lại quãng thời gian cô tuyệt giao với bên ngoài vì chứng bệnh trầm cảm, Lệ còn không tin có lúc mình như vậy. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm căn bệnh này, Lệ vẫn phải điều trị theo phác đồ kéo dài suốt 4 năm.
Cách đây hơn 1 năm, khi sinh con thứ 2 Lệ lại có triệu chứng như cũ nhưng biết bệnh của mình, Lệ đã chủ động bảo chồng đưa vào viện để kiểm soát bệnh.
Thạc sĩ/ bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ (BV Tâm thần Trung ương I) thông tin, gần đây chị cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân Hải làm nghề điều dưỡng, mắc căn bệnh trầm cảm sau sinh.
Trong 3 tháng ở cữ, chị Hải cảm thấy áp lực, căng thẳng mất ngủ triền miên, nhiều lúc ngồi khóc một mình không rõ lý do. Tâm trạng luôn bộc lộ sự buồn phiền, cáu kỉnh, thi thoảng lại bồn chồn, lo âu.
Một lần, chị ra giếng, đi vòng quanh trong trạng thái không kiểm soát rồi bất ngờ trèo lên thành giếng, toan nhảy xuống tự tử. May mắn, gia đình phát hiện, cứu kịp thời.
Lúc này bố mẹ chị mới để ý, con gái mình mất kiểm soát, luôn có ý định tự tử, không còn thiết tha, chăm sóc đứa con mới sinh. Bất cứ đồ vật gì trong nhà có nguy cơ gây sát thương ông bà đều phải giấu đi hết.
Thời điểm vào viện, khuôn mặt chị Hải đờ đẫn, đôi mắt thâm quầng. Cảm giác cơ thể không có sức sống, không quyết định được việc gì.
‘Thông thường, bệnh nhân bị trầm cảm ở mức độ nhẹ có thể nhờ vào các liệu pháp tâm lý để ổn định. Nhưng với mức độ nặng như chị Hải thì cần phải có phác đồ điều trị lâu dài.
Điều đáng mừng, sau 6 tháng, tình trạng bệnh của chị Hải có dấu hiệu hồi phục, đáp ứng thuốc tốt nên có thể điều trị ngoại trú, trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, ở nhà bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám thường xuyên theo lịch hẹn’, BS Vân nói.
BS Vân cũng đưa ra lời khuyên với các gia đình có phụ nữ vừa sinh con: ‘Tình trạng trầm cảm sau sinh sẽ đỡ hơn nếu như người mẹ được nghỉ ngơi hợp lý, có sự hỗ trợ chăm sóc bé từ người thân hoặc hỗ trợ tinh thần từ phía gia đình. Qua đó, giảm bớt áp lực tâm lý cho người mẹ.
Trường hợp có dấu hiệu bị trầm cảm, bệnh nhân nên đi khám sớm, tuân thủ phác đồ điều trị. Đặc biệt, không được bỏ thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ’.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Huy Hùng - Minh Anh/Vietnamnet