(Kienthuc.net.vn) - Đôi khi, chính định kiến của những người ngoài cuộc lại là nguyên nhân bắt đầu cho những rạn nứt của chúng tôi chứ không phải khoảng cách tuổi tác.
Tôi năm nay đã 61 tuổi, vợ kém tôi 26 tuổi.
Xin nói luôn, tôi chẳng phải là một đại gia giàu có, cũng chẳng phải là một người hào hoa phong nhã gì, tôi chỉ là một người hoàn toàn bình thường. Vợ tôi cũng thế.
Tôi là bộ đội. Cơn bão thần tốc của thời cuộc cứ cuốn tôi đi, không một lần tôi ngoảnh lại phía sau để biết tuổi trẻ của mình đang dần qua.
Tôi ra quân được điều về một cơ quan ở Thủ đô, thì lúc tôi bước sang tuổi 40.
40 tuổi không phải là già, nhưng cũng không phải là trẻ để bắt đầu chuyện yêu đương, vợ con. Những người phụ nữ cùng lứa với tôi có người đã lên chức bà. Những đám được mai mối cho tôi hoặc là người ta có vấn đề gì đó nên tuổi ấy vẫn còn chưa lấy ai, hoặc đã lỡ dở một lần đò.
Tôi sợ cảnh rổ rá cạp lại phức tạp. Tôi sợ những người phụ nữ quá lứa khó tính… Tôi đã nghĩ cứ ở vậy cho xong, đời vẫn vui, mình vẫn sống có ích.
Rồi tôi gặp vợ tôi. Ít hơn tôi tới 26 tuổi nhưng chúng tôi có nhiều sự đồng cảm. Mối đồng cảm ấy lớn dần lên thành tình yêu. Chúng tôi kết hôn, đều là lần đầu, khi tôi tròn 50, còn em, mới 24.
|
Ảnh minh hoạ |
Vì tuổi tôi đã nhiều nên vợ chồng tôi sinh liền hai cháu. Cuộc sống khá bận bịu nhưng giữa chúng tôi cũng không có mâu thuẫn gì nhiều.
Nhưng dần dần, những vấn đề của chúng tôi, ngày một nhiều, hóa ra lại bắt đầu từ thành kiến bên ngoài. Hàng xóm nhà tôi cứ hễ rảnh là lại bàn nhau xem tôi nhiều tiền hay có chức quyền gì mà cưới được vợ trẻ. Đồng nghiệp của vợ tôi thì soi vợ tôi như kiểu một người "thần kinh có vấn đề".
Anh em bạn bè quen thân của tôi, người thì vỗ vai cười khà khà "lão ơi, tưởng lão đã tu thì tu cho chót, sắp thành chính quả rồi cuối cùng còn tơ vương"; người thì nửa đùa nửa thật "cưa sừng làm nghé hả"; người ác ý thì bảo "chồng già, vợ trẻ không vì tiền thì chỉ có điên".
Lúc mới cưới, trong các cuộc gặp mặt ở cơ quan đoàn thể, tôi hay đưa vợ đi. Lần nào mấy ông trong cơ quan cũng trêu vợ tôi đủ trò, từ đùa tếu đến bôi bác. Dần dần vợ tôi ngại không đi cùng nữa.
Rồi con tôi đến tuổi đi học. Đưa đón con được ít buổi thì cả hai đứa nhất tề không cho bố đưa nữa, đòi phải để chị giúp việc đưa cơ. Tôi gặng hỏi mãi thì chúng mếu máo: các bạn bảo bố là ông con.
Có người chào tôi là bác, nhưng lại cười toét miệng gọi vợ tôi là em; có người tưởng nhầm tôi là bố của vợ. Rồi chẳng hiểu ở đâu ra, khắp cơ quan vợ tôi lan truyền rằng tôi gọi bố mẹ vợ là bố, mẹ nhưng tự xưng là "bản thân" (bố mẹ vợ kém tuổi tôi) khiến vợ tôi tím tái mặt mày về giận chồng cả tháng.
Tôi vẫn nghĩ, đáng ra vợ chồng, con cái chúng tôi có thể đã hạnh phúc hơn nhiều, nhà tôi đôi khi đã chẳng phải bị bao trùm bởi cái không khí lạnh lẽo, nặng nề, nếu xã hội đừng quá định kiến với hoàn cảnh của chúng tôi.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Những câu chuyện tưởng chẳng có gì lớn, dăm ba bữa làm vợ tôi, con tôi ngậm ngùi một chút cảnh vợ chồng cộc lệch, cha già con cọc nhưng thực ra là một sự quá trớn của những người may mắn hơn chúng tôi.
Tôi hy vọng câu chuyện nhỏ của gia đình tôi có thể khiến ai đó định bông đùa, mỉa mai hay đả kích một ai đó khác sẽ ngẫm mà dừng lại. Vì đôi khi, chính chút đả kích của mọi người lại là cái khởi đầu cho những rạn nứt của người trong cuộc.
Nguyễn Sơn Minh (Xa La, Hà Đông, Hà Nội)