Bé 4 tuổi nguy kịch vì ăn ruột nửa con gấu bông
Thông tin trên báo Người Lao Động ngày 27/6 cho biết, gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đã phẫu thuật cứu bé gái 4 tuổi nuốt bông nhồi gây tắc 40 cm ruột.
Trước khi nhập viện 2 ngày, bé có biểu hiện chán ăn, không đi cầu, nôn ói nên gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa, đau bụng cấp tính. Chiều 17/6, bé sốt, liên tục quấy khóc nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện dị vật chứa đầy trong lòng ruột non gây tắc ruột, dạ dày, đoạn đầu ruột non giãn rất to, dịch tích tụ...Qua 1,5 tiếng mổ cấp cứu, các bác sĩ đã gắp ra hàng chục cuộn bông gòn chen chúc, ùn ứ trong lòng ruột non của bệnh nhi.
|
Bông nhồi lấy ra từ ruột của bé gái. Ảnh: Tâm Anh Hospital. |
Liên quan đến trường hợp này, báo Công Luận đưa tin, khi bé gái đi học mẫu giáo, gia đình có gửi kèm một con gấu bông nhỏ cho bé ôm khi ngủ trưa trên lớp. Sau khi bé đi cấp cứu, gia đình kiểm tra thấy gấu bông có vết rách và mất đi 1/2 lượng bông nhồi.
Tắc ruột ở trẻ nguy hiểm sao?
Theo BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, bác sĩ Ngoại Nhi – Ngoại Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, trường hợp trẻ nhỏ bị tắc ruột non không hiếm gặp. Nguyên nhân có thể do búi giun, bã thức ăn không được tiêu hóa hết (hạt trái cây sơ ri…), gần đây hay gặp là những đồ chơi nam châm khi trẻ nuốt vào làm dính các quai ruột gây tắc ruột…
Tuy nhiên, trường hợp của bé gái nói trên rất hy hữu do cháu bé tự lấy bông gòn trong gấu bông để ăn. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, trẻ có nguy cơ rối loạn nước – điện giải, thủng ruột, viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng – nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Trọng, trẻ bị tắc ruột ở giai đoạn đầu thì thường khó xác định do dễ nhầm với việc trẻ bị táo bón hoặc trẻ bị rối loạn tiêu hóa thông thường.
Đoạn ruột trên chỗ bị tắc sẽ trướng và căng dãn, tăng áp lực trong lòng ruột gây nên ứ trệ tĩnh mạch và giảm tưới máu mao mạch khiến cho niêm mạc ruột bị tổn thương, phù nề, xung huyết dẫn đến giảm và mất quá trình hấp thu. Bên cạnh đó, trẻ nôn nhiều, gây thêm tình trạng mất nước, rối loạn chất điện giải.
Dấu hiệu nhận biết ban đầu là đau bụng. Trẻ xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội, cơn đau tăng dần, bé đau đớn, quấy khóc. Khi trẻ đã bị tắc ruột do thức ăn thường hay nôn hoặc buồn nôn đi kèm với chướng bụng.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh tắc ruột cho trẻ, phụ huynh cần giáo dục cho con thức ăn được ăn và không thể ăn. Khi trẻ có dấu hiệu liên quan đến đường tiêu hóa như chán ăn, bỏ ăn, đau bụng, nôn, đi ngoài ra dị vật bất thường…, cha mẹ nên đưa con đi khám.
Cách phòng ngừa tắc ruột ở trẻ
Tắc ruột là bệnh lý nguy hiểm ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa từ sớm là vô cùng cần thiết để tránh trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa tắc ruột ở trẻ:
- Đồ ăn cho bé nên chọn loại thực phẩm dễ tiêu hóa, chế biến mềm, dễ nhai
- Bổ sung đầy đủ chất xơ từ các loại rau xanh và trái cây như rau đay, mồng tơi, táo,…
- Nên chia nhỏ khẩu phần ăn, không cho bé ăn quá no trong một bữa
- Hạn chế cho bé ăn thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng
- Tập cho bé thói quen ăn chậm, nhai kỹ
- Nhắc nhở bé uống nước nhiều mỗi ngày
- Hạn chế cho bé ăn những thực phẩm có vị chát, nhiều nhựa như hồng xanh, hồng xiêm xanh,…
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi
P.V (Tổng hợp)