Khoa Sản thiếu bác sĩ sản, thai lưu vẫn đỡ đẻ bình thường?
Vụ việc bác sĩ kéo đứt cổ trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mấy ngày qua đang gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người vô cùng đau xót. Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết, sau khi nhận được thông báo của ê-kíp đỡ đẻ về trường hợp sản nhi đầu đã ra ngoài nhưng thân và mông mắc kẹt trong mẹ nên tức tốc chạy lên. Qua kiểm tra thấy đầu thai nhi trắng, có một số chỗ trượt da. Sau đó, bác sĩ Đức dùng tay thử kéo thì em bé bị đứt cổ và khẳng định, thai nhi đã tử vong trước đó.
|
Trưởng khoa sản Nguyễn Minh Đức và nữ hộ sinh Hoàng Thị Định (áo khoác nắng), nữ hộ sinh Hoàng Thị Trinh (người 3 lần nghe tim thai bình thường)
|
Sự việc có nhiều điểm bất thường chưa được làm rõ đang gây tranh cãi trong dư luận.
Thứ nhất, theo hộ sinh Hoàng Thị Trinh nói rằng, trong quá trình chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118-130 lần/phút. Tuy nhiên, sau đó, chính hộ sinh này lại cho rằng đã nghe nhầm tiếng nhịp tim và động mạch của thai nhi dẫn đến nhận định sai về việc em bé còn sống trong bụng.
Thứ 2, là trường hợp thai chết lưu 7 ngày như báo cáo của Sở Y tế, nếu thai phụ được theo dõi chặt, thì rất dễ phát hiện thai không đạp, nước ối đục vả bẩn, chỉ cần kiểm tra nước ối là phát hiện bất thường. Đặc biệt, khi siêu âm sẽ phát hiện tình trạng thai nhi chết lưu hay đang còn sống. Tuy nhiên, bác sĩ đã không chỉ định siêu âm cho sản phụ trước sinh?
Điểm cần làm rõ thứ 3 là nếu thực sự thai nhi chết lưu, do mô bở, mềm, nếu bác sĩ kéo đứt cổ thì cần báo cáo cho giám đốc bệnh viện, người nhà và thực hiện giám định pháp y, thay vì khâu lại. Đó rõ ràng là sai sót trong việc ứng xử của nhân viên y tế khi hậu quả xảy ra.
Và một điểm lạ lùng nữa là người trực chính hôm đó lại là bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt. Lý giải về việc này, ông Phạm Hồng Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ cho hay, do thiếu người nên cả Khoa Sản chỉ có 2 bác sĩ. Vì thiếu người nên bác sĩ Quyền chuyên Răng - Hàm - Mặt phải phụ trách.
Trước vụ việc này, Bệnh viện đã thừa nhận việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.
Trước những thông tin này, dư luận không khỏi đặt câu hỏi nghi vấn chất lượng y tế sản khoa một bệnh viện đa khoa tuyến huyện, tại sao một khoa sản lại thiếu người đến nỗi phải phân công bác sỹ trực sản là bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt? Và qua vụ việc này, người dân cũng không khỏi lo ngại về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các y bác sĩ, hộ sinh trong kíp trực này…
Gây tê ngoài màng cứng trong mổ sinh: Bộ Y tế cấm, Trung tâm Y tế vẫn làm?
Chiều 28/6, chị Trần Thị Bích Lai có dấu hiệu chuyển dạ khi thai 39 tuần, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, Yên Bái để sinh đẻ.
Bệnh nhân từng mổ lấy thai do xương chậu hẹp nên lần sinh này, các bác sĩ tiếp tục chỉ định sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống. 20h30 cùng ngày, bác sĩ mổ bắt thai, bé gái nặng 2,7 kg. Tuy nhiên, sau mổ một giờ, sản phụ xuất hiện khó thở, kêu nghẹn cổ và nôn ra bọt hồng, chân tay tê, huyết áp tụt còn 90/40, mạch nhanh trên 100 lần.
Sau khi cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu. Dù các bác sĩ cấp cứu tích cực theo phác đồ, bệnh nhân được chẩn đoán đã tử vong trên đường.
|
Bộ Y tế chỉ đạo không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. |
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Yên Bái khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đối với sản phụ Lai. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Yên Bái xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, sở cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn về sản khoa cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện.
Hiện, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã tạm ngưng các kỹ thuật có sử dụng phương pháp gây tê tuỷ sống. Các trường hợp bệnh nhân nếu phải áp dụng phương pháp này sẽ được gửi lên tuyến trên.
Được biết trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước có triển khai phẫu thuật lấy thai (trong và ngoài công lập) không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Cụ thể là các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.
Trước vụ việc này, người dân thực sự hoang mang lo ngại về chất lượng y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao đã có chỉ đạo từ Bộ Y tế cấm sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các trường hợp sản phụ đặc biệt nhưng Trung tâm Y tế huyện Lục Yên vẫn thực hiện phương pháp này? Liệu các bác sĩ tại đây có kiểm tra tình trạng sản phụ để loại trừ nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng?
Vẫn biết không thể mỗi người dân khi có bệnh lại chen chúc lên tuyến trên để khám và điều trị gây cảnh quá tải cả hệ thống; vẫn biết Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tuyến huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhưng có lẽ người dân sẽ không thể hoàn toàn tin tưởng giao phó tính mạng mình nếu chất lượng y tế tuyến huyện còn nhiều vấn đề…
Tai nạn y khoa là điều không ai mong muốn xảy ra. Nỗi đau sự cố y khoa không chỉ người nhà bệnh nhân mà ngay các bác sĩ cũng vô cùng đau xót. Mỗi vụ việc không may xảy ra, Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh cũng như chính các bệnh viện, cơ sở y tế luôn sẵn sàng làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, để đánh giá về nguyên nhân về mặt chuyên môn cần có những kết luận chuyên khoa cụ thể. Vì vậy, dư luận cần có cái nhìn công tâm và công bằng, tránh làm ảnh hưởng đến công tác điều tra làm rõ vụ việc, cũng như ảnh hưởng tâm lý, tinh thần những thầy thuốc đang ngày đêm nỗ lực vì sức khỏe người bệnh.
Người dân cũng nên có cái nhìn công tâm về chất lượng y tế địa phương trong nhiều năm qua đã luôn được chú trọng nâng cao, cải tiến, cả về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như nhân lực, năng lực chuyên môn của y bác sĩ. Tuy không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng ngành Y tế vẫn đang ngày càng nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng y tế tuyến địa phương…
An Lê