Triệu chứng khác biệt khi nhiễm biến chủng Omicron

Google News

Theo chuyên gia, tỷ lệ người mắc Covid-19 do Omicron có triệu chứng sốt ít hơn so với chủng Delta trước đây.

Bộ Y tế cho biết biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm và thay thế dần Delta ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội.

Omicron, ngoài tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây, biểu hiện bệnh do chủng này gây ra cũng có một số khác biệt.

F0 nhiễm Omicron ít sốt

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), triệu chứng ở người mắc Covid-19 do biến chủng Omicron so với Delta có nhiều điểm khác biệt đặc trưng.

Người nhiễm Omicron ít có triệu chứng sốt hơn so với Delta. "Các thống kê sau này của chúng tôi nhận thấy triệu chứng sốt của người bệnh giảm đi, còn khoảng 40-50%. Do đó, các triệu chứng hàng đầu của Omicron hiện nay là đau đầu, đau cơ, đau người và viêm đường hô hấp trên", TS Hùng cho biết.

Trieu chung khac biet khi nhiem bien chung Omicron

Người nhiễm biến chủng Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và ít chuyển nặng hơn so với Delta. Ảnh minh họa: Bích Huệ.

Điểm khác biệt thứ 2 cũng là yếu tố khiến Omicron ít gây bệnh nặng hơn so với Delta là triệu chứng bệnh chủ yếu ở đường hô hấp trên, như sổ mũi, hắt hơi, đau họng, toàn thân mệt mỏi.

Còn những triệu chứng khác như mất vị giác, khứu giác,... thường phổ biến với chủng Delta thì nay ít gặp hơn ở người nhiễm Omicron.

Với người nhiễm chủng Delta, đa số triệu chứng sẽ giảm sau 3 ngày và bệnh nhân dần hồi phục. Khoảng 20-25% số bệnh nhân chuyển biến nặng, xuất hiện các biến chứng như khó thở, đau ngực, ho ra máu. Thời gian trung bình xảy ra các biến chứng nặng thường từ ngày thứ 7 đến 10 của bệnh.

Trong khi đó, chủng Omicron được cho là có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Delta, độc tính lại thấp hơn. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng đối với Omicron ít hơn gần 1/2 so với Delta, dưới 10%.

"Từ những khác biệt về triệu chứng lâm sàng và độc lực mà các cơ sở y tế, cộng đồng cũng có những đáp ứng khác nhau để phù hợp hơn với tình hình", TS Hùng nói thêm.

Không chủ quan

"Delta và các chủng SARS-CoV-2 trước đây có độc lực cao hơn so với Omicron nên tỷ lệ nhập viện và chuyển nặng nhiều hơn, việc điều trị đòi hỏi cao hơn. Do đó, khi biến chủng này chiếm ưu thế, cách tiếp cận y tế cần có sự thay đổi, nhất là chiến lược điều trị tại cộng đồng", TS Hùng đánh giá.

Theo TS Lê Quốc Hùng, hiện nay, số lượng người mắc Covid-19 ngoài cộng đồng do biến chủng Omicron chiếm đa số, trong khi hầu hết người mắc có triệu chứng nhẹ. Do đó, chiến lược hiện nay là tập trung quản lý tốt F0 tại cộng đồng.

Trieu chung khac biet khi nhiem bien chung Omicron-Hinh-2

Người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao (lớn tuổi, bệnh nền) cần được theo dõi sức khỏe, hạn chế chuyển biến nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

"Chúng ta nên thành lập nhiều tổ y tế cộng đồng và huy động mạng lưới phòng khám tư nhân tham gia, tùy theo nguồn lực của địa phương", TS Hùng nói.

Những tổ y tế này có nhiệm vụ lan truyền các thông điệp và tư vấn cần thiết để từng người bệnh, phát hiện người có nguy cơ. Việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở đủ nhân lực sẽ giúp địa phương quản lý tốt F0 có nguy cơ chuyển nặng.

"F0 nhiễm Omicron tuy nhẹ hơn chủng trước, nhưng về bản chất, nếu người dân chủ quan, nhất là người có yếu tố nguy cơ, thì sự nguy hiểm không khác nhau", ông nói.

Chuyên gia này đưa ra ví dụ với trung bình 20.000 ca bệnh và tỷ lệ chuyển biến nặng 20%, số lượng này còn thấp hơn 100.000 ca bệnh với tỷ lệ chuyển nặng 10%. Đây là lý do khiến một số quốc gia phương Tây rơi vào quá tải y tế dù mức độ bệnh nặng không cao.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho rằng cần tổ chức hệ thống y tế cơ sở tốt hơn để người được tiếp cận với y tế sớm nhất.

"Một số đơn thuốc, video sai lệch vẫn nhan nhản trên internet khiến nhiều người gặp sai lầm về cách điều trị Covid-19. Do đó, cần nhiều đầu mối tư vấn giúp người dân an tâm, không uống thuốc lung tung", bác sĩ Vân Anh nói.

Bà cho biết TP.HCM đang có chương trình đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về tăng cường trạm y tế. Các sinh viên y khoa này có đủ chuyên môn và khả năng để hướng dẫn, chăm sóc người bệnh. Vấn đề là cách tổ chức tuyến cơ sở có linh hoạt ứng phó khi F0 cộng đồng tăng hay không.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho biết theo mô hình dự báo dịch Covid-19 tại TP.HCM khi xuất hiện Omicron, có thể làn sóng dịch tiếp theo sẽ xảy ra.

"Số ca nhiễm mới sẽ tăng nhưng có tăng đột biến hay không lại phụ thuộc vào sự tự giác của người dân, nếu tiêm đủ vaccine và khẩu trang, rửa tay đúng, số ca F0 sẽ tăng nhưng số tử vong vẫn được kiểm soát mức thấp", ông nói.

Theo Bích Huệ/Zing