Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh viêm tụy

Google News

Người bệnh có thể giảm nguy cơ viêm tụy bằng cách bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu và ăn uống cân bằng.

Trieu chung va nguyen nhan cua benh viem tuy
Viêm tụy là tình trạng nghiêm trọng có thể gây đau bụng dữ dội và các vấn đề về tiêu hóa. Ảnh: Freepik. 
Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa. Nó tạo ra các enzym để phân hủy thức ăn, sản xuất insulin và glucagon, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Theo Insider, tình trạng viêm tụy do những nguyên nhân như chế độ ăn uống, hút thuốc lá, uống rượu và nhiễm trùng.
Có hai loại viêm tụy:
Viêm tụy cấp là nguyên nhân chính của các ca nhập viện liên quan đến đường tiêu hóa ở Mỹ. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột và thường cải thiện trong vòng một tuần. Một số trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Viêm tụy mạn tính gây tổn thương cho tuyến tụy. Các triệu chứng có thể tồn tại trong thời gian dài. Cơ thể người bệnh mắc viêm tụy mạn tính cũng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Cả hai loại viêm tụy đều có thể gây đau bụng dữ dội và khiến bạn khó tiêu hóa thức ăn đúng cách.
Các triệu chứng của viêm tụy
Viêm tụy cấp thường bắt đầu với cơn đau bụng trên đột ngột. Tiến sĩ Petros Benias, Giám đốc khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Lenox Hill, cho biết người bệnh cũng có thể cảm thấy đau ở giữa lưng.
Các triệu chứng khác bao gồm:
Buồn nôn
Bụng mềm
Sốt
Hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn sau trường hợp viêm tụy nhẹ, nhưng các trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng như:
Suy thận
Các vấn đề hô hấp
Nhiễm trùng tuyến tụy
Chảy máu trong
Mặt khác, viêm tụy mạn tính thường tiến triển chậm theo thời gian, do đó có thể khó chẩn đoán.
Các triệu chứng của viêm tụy mạn tính có thể bao gồm:
Đau ở vùng bụng trên
Đau bụng, cảm thấy khó chịu sau khi ăn
Tụt cân
Buồn nôn
Nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy cấp và mạn tính
1.Sỏi mật
Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy cấp, chiếm tới 40% các trường hợp.
Sỏi mật phát triển khi túi mật không rỗng hoàn toàn. Túi mật lưu trữ một chất lỏng, được gọi là mật, giúp tiêu hóa chất béo. Khi bạn ăn chất béo, túi mật sẽ giải phóng mật qua một ống gọi là ống mật chủ.
Tuy nhiên, khi túi mật không rỗng hoàn toàn, mật sẽ cô đặc thành sỏi kết tinh, được gọi là sỏi mật. Những viên sỏi mật sau đó có thể bị mắc kẹt trong ống mật chủ hoặc ống tụy, gây tắc nghẽn dẫn đến viêm tụy.
Khi sỏi mật gây viêm tụy, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như:
Đau bụng dữ dội ở phía trên bên trái
Buồn nôn và ói mửa
Sốt và ớn lạnh
Vàng da, vàng mắt
Tăng nhịp tim và khó thở
Bụng sưng to
Theo Insider, sỏi mật có thể tự đào thải ra ngoài. Nếu không, chúng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bác sĩ khuyên bạn nên loại bỏ chúng bằng cách nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc cắt bỏ túi mật.
2. Rượu
Uống nhiều rượu làm tăng khả năng mắc bệnh viêm tụy. Nếu bạn có tiền sử rối loạn sử dụng rượu, bạn có nguy cơ mắc bệnh này gấp bốn lần người không uống rượu.
Sử dụng rượu gây ra tới 40% các trường hợp viêm tụy mạn tính và tới một phần ba các trường hợp viêm tụy cấp.
Theo Insider, viêm tụy do uống rượu thường xảy ra khi người bệnh uống nhiều rượu trong vài năm và có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn hút thuốc. Nguy cơ bắt đầu tăng lên khi người bệnh uống 4-5 ly/ngày.
Trieu chung va nguyen nhan cua benh viem tuy-Hinh-2
Hút thuốc và uống rượu đều là những nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy. Ảnh: Freepik. 
3. Tăng triglyceride máu
Tăng triglyceride máu hoặc nồng độ chất béo cao trong máu gây ra tới 10% các trường hợp viêm tụy cấp.
Tiến sĩ Shaheer Siddiqui, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Memorial Hermann, cho biết khi cơ thể có lượng chất béo trung tính rất cao, chúng sẽ bị phân hủy thành các axit béo tự do có thể gây viêm tuyến tụy.
Nguyên nhân tiềm ẩn của chất béo trung tính cao bao gồm:
Các yếu tố về lối sống: Uống rượu, lối sống ít vận động, ăn chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế làm tăng mức chất béo trung tính.
Các bệnh lý nền: Bệnh tiểu đường, suy giáp và viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến mức chất béo trung tính.
Thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức chất béo trung tính như thuốc chẹn beta được sử dụng để điều trị huyết áp cao, corticosteroid điều trị chứng viêm và estrogen đường uống được sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone.
Di truyền học.
Thông thường, chất béo trung tính sẽ không gây viêm tụy trừ khi chúng ở mức rất cao - 500 mg/dL - và bạn cũng có một số yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn bệnh tiểu đường khó kiểm soát hoặc sử dụng nhiều rượu.
Nếu bạn có nguy cơ bị viêm tụy, bạn có thể giảm chất béo trung tính bằng cách:
Giảm tiêu thụ đường và carbohydrate tinh chế.
Giảm hoặc ngừng tiêu thụ rượu.
Phát triển thói quen tập thể dục thường xuyên.
Chế độ ăn uống cân bằng.
4. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển cả viêm tụy cấp tính và mạn tính.
Tiến sĩ Shaheer Siddiqui nói: "Khi cơ thể bạn phân hủy thuốc lá, các sản phẩm phụ độc hại như nicotin và nitrosamine ketone có nguồn gốc từ nicotin (NNK) có thể làm hỏng các tế bào tuyến tụy và dẫn đến viêm nhiễm".
Bằng chứng cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp cao hơn nhiều so với những người không hút thuốc.
5. Một số loại thuốc
Thuốc hiếm khi gây ra viêm tụy, chỉ khoảng 0,1-2% các trường hợp gây viêm tụy cấp.
Viêm tụy do thuốc thường gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình, một số trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng.
Các triệu chứng thường sẽ bắt đầu trong vòng một tuần kể từ khi dùng thuốc. Trong một số trường hợp, bạn có thể không gặp các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.
Trieu chung va nguyen nhan cua benh viem tuy-Hinh-3
Các nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm tụy bao gồm sỏi mật, sử dụng nhiều rượu, lượng chất béo trong máu cao và hút thuốc. Ảnh: Ccchclinic. 
6. Nhiễm trùng
Nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra khoảng 10% các trường hợp viêm tụy cấp.
Virus gây ra hầu hết bệnh nhiễm trùng dẫn đến viêm tụy như viêm gan B, HIV, Herpes simplex (bệnh lây truyền qua đường tình dục), Varicella-zoster (virus gây ra bệnh thủy đậu và bệnh zona).
Phương pháp điều trị các loại virus này khác nhau, nhưng thuốc kháng virus có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Vaccine cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B và varicella-zoster.
7. Tăng canxi máu
Tăng canxi máu (Hypercalcemia) là tình trạng nồng độ canxi trong máu trên mức bình thường, có thể gây viêm tụy.
Tăng canxi máu thường do tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Khoảng 1-8% các trường hợp cường cận giáp gây ra viêm tụy.
Thông thường, tình trạng này không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và chỉ xuất hiện khi xét nghiệm máu định kỳ.
8. Chấn thương, phẫu thuật vùng bụng hoặc tuyến tụy
Theo Insider, bạn có thể bị viêm tụy sau chấn thương bụng do những nguyên nhân như: Tai nạn, ngã hoặc chấn thương tác động cao, vết đâm hoặc vết thương do súng bắn.
Điều này là khá hiếm, chỉ có khoảng 0,2-1,1% các ca chấn thương bụng dẫn đến viêm tụy.
Viêm tụy cũng có thể phát triển khi bạn phẫu thuật liên quan đến vùng bụng (chiếm 0,8-4%), phẫu thuật ngoài ổ bụng (phẫu thuật cột sống hoặc phẫu thuật cổ họng), nội soi mật tụy ngược dòng (2-10% số người bị viêm tụy sau thủ thuật này).
Trieu chung va nguyen nhan cua benh viem tuy-Hinh-4
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm tụy là đau bụng, thường ở giữa và lan ra sau lưng. Ảnh: Freepik. 
9. Yếu tố di truyền
Viêm tụy di truyền có thể gây viêm tụy mạn tính và làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Tình trạng hiếm gặp này phát triển do đột biến gen ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tụy.
Các triệu chứng của bệnh viêm tụy di truyền thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Bạn sẽ mắc các đợt viêm tụy cấp tính và cuối cùng chuyển thành viêm tụy mạn tính.
10. Tình trạng sức khỏe cơ bản
Các tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến viêm tụy bao gồm:
Xơ nang: Khoảng 1,25% những người mắc bệnh xơ nang rối loạn di truyền sẽ phát triển bệnh viêm tụy. Xơ nang làm tổn thương phổi và hệ tiêu hóa bằng cách làm đặc chất lỏng trong cơ thể.
Ung thư tuyến tụy: Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị viêm tụy cấp tính như một dấu hiệu sớm của bệnh ung thư tuyến tụy.
Béo phì: Nguy cơ viêm tụy cấp tăng khoảng 35% nếu người bệnh bị béo phì hoặc chỉ số BMI trên 30.
Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp tăng 1,5-3 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
Đọc gì không chết?
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Theo Hoàng Anh/Zing