Ứ đọng tại biên giới vì dịch corona, dưa hấu, thanh long đổ về Sài Gòn chờ giải cứu Hạnh phúc vỡ oà sau 8 năm tìm tiếng trẻ thơNông dân rơi nước mắt nhìn thanh long chín đỏ vườn nhưng không dám hái vì… càng bán càng lỗ
Giáp tết, giá thanh long rớt thê thảm, chẳng riêng gì ở xã Hàm Thắng mà cả huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Sau tết, tự dưng bùng lên cái dịch Covid-19, hàng nông sản Việt Nam bị tắc lại cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong đó có rất nhiều công thanh long từ Bình Thuận. Những ngày này, thanh long chín rộ mà không có lái tới thu mua. Bà con nông dân buồn hiu hắt.
Tháng 11 năm ngoái, chồng chị Ba Ngân (một nông dân ở xã Hàm Thắng) sau một đợt công tác 15 ngày ở Đà Nẵng về, không thấy vợ chong đèn cho 500 trụ thanh long thì nổi giận: “Có hai mẹ con ở nhà mà làm biếng. Rồi tiền đâu lo tết? Năm nay thanh long lên giá, tui bỏ cô luôn”. Chị thanh minh, thấy thanh long có chiều xuống giá nên không dám làm trái vụ.
Giá điện chong đèn thúc ra trái giá những 3.000đ/kw, mỗi đêm chong tám giờ, liên tục 18-20 ngày, cộng thêm tiền rơm bỏ gốc, phân, thuốc, chi phí thuê nhân công. Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Lúc bán phải được 10.000đ/kg thì người trồng mới có lãi, mà cuối năm thấy giá thanh long cứ chững lại 7.000-8.000đ/kg, nên chị sợ lỗ.
Bây giờ nỗi lo của chị Ba Ngân đã thành sự thật. Thanh long rớt giá, người ta chỉ mua loại hàng đẹp mà với giá 4.000-5.000đ/kg, hàng dạt vứt đỏ vườn. Vợ chồng người anh họ cùng thôn cãi lộn ì xèo, suýt đánh nhau vì việc bán thanh long. Họ vừa thu được mười tấn thanh long loại nhất, mà lái mua trả có 4.000đ/kg. Như năm ngoái, số thanh long này bán được 120-130 triệu đồng, mà nay được có 40 triệu đồng, lỗ “sặc máu”. Chị Ba Ngân nói, thời điểm này, mỗi đợt cắt bán thanh long là một đợt làm người ta dễ “đau tim”.
Mấy bà hay cự cãi với chồng vì bán giá rẻ, mấy ông thì lo mặc cả, cò kè thêm bớt với thương lái. Mà mấy người thương lái ác nhơn, thị trường càng khó khăn thì họ càng ép giá dữ. Giá thanh long trước tết vào rằm tháng chạp chỉ 5.000đ/kg. Dù vậy bà con trong xã vẫn chong đèn vì tâm lý cầu may. Những lão nông có kinh nghiệm thường chọn chong đèn sao cho trái chín vào các dịp tết dương lịch, tết âm lịch, rằm tháng Giêng, giỗ Tổ, tết Hàn thực… vì những dịp lễ này giá thanh long thường cao hơn.
Tuy nhiên, đó chỉ là dựa theo kinh nghiệm. Thực tế thì giá thanh long rất bấp bênh, không lường trước được. Bạn chị Ba Ngân là chị Phan Thị Thường (Phú Hội) cho hay, đợt này gia đình chị chong 1.000 trụ, nhưng do thời tiết lạnh nên thanh long ra búp ít, sản lượng thanh long chỉ đạt bảy tấn, đã bắt đầu “chạy chỉ”. “Chắc chết quá Ba Ngân ơi! Với giá bán năm ngàn một ký thì tao chịu lỗ năm mươi triệu tiền đầu tư. Còn nếu không bán được thì phải chịu lỗ gần trăm triệu”.
|
Ảnh minh họa |
Đau lòng nhất là thanh long chưa biết bán được hay không mà vẫn phải thuê công vuốt tai, giá công là 120.000đ cho một thiên trái (tương đương năm tạ). Ông Cao Đình Mạnh ở xã Hàm Thắng buồn rầu: “Cả năm nay tôi mới chong đèn một pha, thấy năm ngoái giá đầu năm ổn định, nên tôi canh đánh điện “ăn” hàng. Ai dè, giờ phải bán đổ bán tháo”.
Vợ ông thì rầu rĩ: “Dù hai vợ chồng nản lắm nhưng vẫn phải cố tưới và vuốt tai để giảm chi phí thuê nhân công, cố bán được đồng nào hay đồng ấy”. Chị Hương, chủ một vựa thanh long tại xã Hàm Đức than thở: “Còn năm công hàng đang nằm đợi ở biên giới nửa tháng nay, tốn không biết bao nhiêu tiền bến bãi. May mà vừa được thông quan bữa mùng 5/2. Tình hình dịch bệnh làm chị lỗ gần tỷ đồng”.
Tết Canh Tý, chị Ba Ngân nói với chồng: “Em lì xì ba nó hai mươi lăm triệu nhen!”. Thấy chồng ngạc nhiên, chị hờn lẫy: “Thì năm trăm trụ tiêu, nếu đầu tư chong đèn cũng khoảng chừng đó tiền. Hàng ế coi như mất trắng. Giờ còn đòi bỏ vợ nữa thôi?”. Anh giáo cười khì, tuyên bố xanh rờn: “Ngu gì bỏ. Vợ mình giỏi giang vậy mà”. Chị Ba Ngân thấy lòng chùng xuống. Cầu cho cái dịch Covid-19 mau hết, để phụ nữ quê chị đỡ khổ.
Theo Phương Kim/Phunuonline