Mới đây, một bệnh nhân ở Quảng Ninh phải nhập viện khám sau khi ăn củ ráy để chữa bệnh đau xương khớp.
Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, sau khi đọc được thông tin trên mạng nói rằng ăn củ ráy có thể chữa bệnh đau xương khớp, người phụ nữ này mua về luộc ăn.
Sau ăn, người bệnh cảm thấy bỏng rát vùng lưỡi, miệng, nuốt đau nên vội đến khám tại một bệnh viện ở Uông Bí (Quảng Ninh) và được chẩn đoán bỏng niêm mạc họng miệng.
|
Ảnh minh họa. |
Vì sao củ ráy có thể gây bỏng niêm mạc?
Theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cây ráy là loài thực vật thân mềm, chiều cao khoảng 0,3 – 1,4m. Phần dưới mọc bò và phần trên mọc thẳng đứng. Rễ phát triển thành hình củ dài, củ được chia thành nhiều đốt ngắn và có vảy màu nâu. Vị nhạt, tính hàn và có đại độc.
Củ ráy được sử dụng để làm thuốc. Cụ thể, củ ráy thường được sử dụng để chữa:
- Chàm (eczema)
- Cảm hàn
- Thống phong (gout)
- Mụn nhọt ngoài da
Tuy được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh nhưng củ ráy chứa chất gây ngứa, có thể kích thích niêm mạc cổ họng và miệng.
Khi tiếp xúc với miệng, củ ráy sẽ phóng thích ra chất độc tác dụng lên niêm mạc miệng, môi, lưỡi gây nóng rát và viêm. Nếu ăn nhiều hơn, lâu hơn thì có thể gây bỏng niêm mạc thực quản, dạ dày, sưng môi, lưỡi, khó nuốt, khó thở cũng như nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.
Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc uống nào từ củ ráy này. Tốt nhất khi có bệnh, bạn nên đến viện thăm khám, lắng nghe tư vấn và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Món ăn bài thuốc từ cây Sa kê
Nguồn video: Vui sống mỗi ngày
P.V (Tổng hợp)