Theo dân gian, những bàn chân đầy đặn, không khuyết dưới lòng bàn chân chứng tỏ người có “số sướng”. Nhưng theo các bác sĩ, những bàn chân này mắc chứng “bàn chân bẹt” hay vòm thấp gây ảnh hưởng xương bàn chân - cổ chân - gối - lưng.
Bác sĩ Phạm Thế Hiển, khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết chân vòm thấp khá phổ biến nhưng ít người để ý, chỉ khi xuất hiện các cơn đau ở bàn chân mới đi khám và phát hiện kiểu dáng bàn chân bẹt.
|
Hình ảnh bàn chân bẹt. - Ảnh: Diệu Nguyễn |
Khá phổ biến
Anh T.V.T. (27 tuổi, ngụ TP HCM) đến phòng khám bệnh viện vì đau lỏng gối trái sau chấn thương. Sau khi thăm khám và chụp MRI được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước gối và được phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng. Tuy nhiên, việc đi lại của anh vẫn khó khăn, khớp gối không còn lỏng nhưng bên trong khớp gối vẫn đau, lưng vẫn nhức và 2 gót chân đau nhiều.
“Ai cũng nói tướng đi của tôi kỳ cục, nhưng nghĩ do tướng của mỗi người, không nghĩ bàn chân của mình có vấn đề cho đến khi cơn đau ở gót chân không chịu được nữa tôi đến bệnh viện gặp bác sĩ”- anh T. chia sẻ.
Qua thăm khám, bác sĩ Phạm Thế Hiển chẩn đoán anh T. bị chứng bàn chân bẹt nên gây ra các cơn đau gót chân, cổ chân, khe khớp gối trong và dáng đi không vững. Theo bác sĩ Hiển, “thông thường ít ai để ý đến bàn chân mình bị bất thường, các cơn đau gót chân, cổ chân, vẹo cổ chân hoặc khớp gối, khớp cùng chậu mới đi khám và phát hiện bệnh”.
Tương tự anh T., chị Thường Xuân (TP HCM) cũng đau từ khớp hông trở xuống, đi lại thấy khó khăn mới đến bác sĩ khám thì được biết vòm bàn chân thấp.
“Khi một bàn chân có vòm bình thường sẽ tạo bước đi đều đặn phân tán lực theo sự đàn hồi của cơ xương bàn chân. Bàn chân vòm thấp hoặc bẹt, mặt bàn chân tiếp sàn hoàn toàn, mọi trọng lượng của cơ thể dồn hết xuống bàn chân, lực không phân tán sẽ tạo thành phản lực từ bàn chân ngược trở lên cơ thể gây đau các vùng gót bàn chân, khớp cổ chân, khớp gối, hông, lưng, thậm chí đau lên vùng cổ”- bác sĩ Hiển phân tích.
Bên cạnh đó, người có bàn chân bẹt chạy nhảy sẽ kém linh động khi chạm đất, cùng lúc gót vẹo ra ngoài, chân đổ vào trong khiến khớp cổ chân, khớp gối cũng bị ảnh hưởng. Các xương ở cẳng chân xoay khi hoạt động khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí lâu dài gây thoái hóa khớp gối.
Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng, cổ. Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân, viêm cân gan chân, gai gót chân, sưng đau cổ chân...
Nên được can thiệp sớm
“Chưa có con số thống kê nào về bệnh này ở Việt Nam, nhưng qua quá trình tiếp xúc bệnh thì bàn chân bẹt khá phổ biến. Đa số các trẻ sinh ra đều có bàn chân vòm thấp, do phần da mô dưới da của trẻ nhiều nhưng vòm chân được hình thành rõ hơn khi đến 7 tuổi. Khi bé nhón chân, vòm bàn chân sẽ tạo lại như bình thường. Sau độ tuổi đi học, nếu vòm còn thấp nên thăm khám lại bác sĩ chuyên khoa”- bác sĩ Hiển khuyến cáo.
Bàn chân bẹt cũng hay gặp ở người có hệ thống dây chằng lỏng lẻo đa khớp. Sự lỏng lẻo này xảy ra ở toàn bộ cơ thể, trong đó có bàn chân. Vì thế, các khớp ở bàn chân không được cố định tốt, dẫn đến việc bàn chân nhiều người không có vòm tốt mà bẹt ra khi chịu lực, khiến bàn chân giãn dài ra hơn, cấu tạo xương chân ngang bằng, gân cơ chằng sau yếu không chịu lực cho mỗi bước chân...
Đặc biệt là người bị béo phì, đái tháo đường gây biến dạng bàn chân càng dễ mắc bệnh này nhiều hơn. Yếu tố tuổi cao và mang thai cũng làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt, tuy nhiên phụ nữ sau sinh, bàn chân sẽ trở lại bình thường.
Mọi người có thể tự kiểm tra chân mình có bẹt hay không bằng cách đặt chân lên giấy phim hoặc lên cát, hay lên một mặt phẳng và luồn các ngón tay xuống dưới xem có lọt các ngón tay không. Nhưng để xác định được mức vòm thấp hay bẹt mức độ nào cần sự thẩm định của bác sĩ thông qua các thông số máy móc đo áp lực lên bàn chân để có hướng điều trị thích hợp.
Với người đang mắc các cơn đau các khớp khác do bàn chân bẹt gây ra cần được điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng viêm, song song với phục hồi độ cong của bàn chân.
Bàn chân bẹt được chia làm hai loại. Với bàn chân bẹt mềm dẻo sẽ có giày chuyên biệt hoặc đế giày chỉnh hình chuyên nghiệp hỗ trợ trong việc điều trị không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, với bàn chân bẹt cứng nhắc, bên cạnh sử dụng giày hoặc đế chuyên biệt thì việc phẫu thuật là cần thiết và khá lâu mới phục hồi.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Tuổi Trẻ