Trước khi cưới thì các anh đàn ông vẫn luôn cưng nựng và chiều chuộng người yêu thậm chí còn gọi cô ấy bằng những cái tên mỹ miều, chỉ nghe thôi đã muốn tan chảy: "em bé của anh", "công chúa của anh"...
Nhưng chỉ cần cầm trên tay tờ giấy đăng ký kết hôn đưa được cô ấy về làm vợ thì lại tỏ ra hạch sách, coi thường, thiếu tôn trọng vợ: lạnh lùng, thờ ơ hỏi không nói, gọi không thưa, thỉnh thoảng còn văng tục những lời lẽ khó nghe.
Đáp lại sự thiếu tôn trọng đó của chồng, chị em phụ nữ thường sẽ có 3 phản ứng tùy thuộc vào tính cách, sự hiểu biết và lựa chọn của mỗi người. Một là sẽ nhẫn nhịn chịu đựng mặc dù trong lòng rất là ấm ức, khó chịu. Hai là sẽ bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ và sẵn sàng đáp trả "ăn miếng trả miếng" chồng thành ra cãi nhau thậm chí bạo lực lên ngôi vì tranh cãi quá gay gắt. Ba là sẽ im lặng nhưng chỉ là tạm thời rồi sau đó sẽ từ từ thủ thỉ tâm sự chia sẻ với chồng để họ thay đổi.
Trong 3 cách trên thì bạn đang áp dụng cách nào? Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tình cảm và chữa lành mối quan hệ, chuyên gia tâm lý Tuệ An cho rằng, cách thứ 3 được là văn minh, tích cực nhất thể hiện sự thông minh, khéo léo và hiểu biết của người phụ nữ hiện đại mà chị em chúng ta nên thực hiện theo.
Hãy nhớ rằng nếu bạn muốn triệt tiêu thứ gì đó tốt nhất hãy nên bắt đầu ngay từ khi chúng còn manh nha vì để càng lâu sẽ càng khó trị dứt điểm. Ngay khi chồng có những biểu hiện thiếu tôn trọng mình, chị em hãy bắt đầu hành động để chồng không lặp lại những lần sau.
Dưới đây là 3 nguyên tắc chuyên gia đưa ra để giúp chị em phụ nữ "trị" thói coi thường vợ của các ông chồng:
1. Giữ thái độ tôn trọng chồng
Nếu như bạn cư xử với chồng như cái cách mà anh ta đối xử với bạn thì chính là bạn đang tự hạ thấp chính mình. Cho nên dù có bị coi thường như thế nào thì cũng phải cư xử thật văn minh, hãy tỏ ra là người trưởng thành và biết suy nghĩ bằng việc cư xử tôn trọng trong cách nói chuyện nghiêm túc. Nếu chồng không muốn tiếp thu thì bạn hãy dừng lại cuộc nói chuyện đừng gây hấn và khiến mọi thứ trầm trọng hơn.
2. Nhẹ nhàng bỏ qua nhưng không lãng quên
Tại thời điểm bị chồng nói những câu thiếu tôn trọng, cộc cằn, thô lỗ thậm chí xúc phạm thì để tránh bùng nổ sự giận dữ khiến mọi chuyện rơi vào bế tắc khó giải quyết hơn. Ngay lúc đó hãy tạm nhẫn nhịn bỏ qua nhưng đừng để chuyện đó rơi vào lãng quên. Bạn vẫn luôn có giá trị của mình dù người khác có tôn trọng và ghi nhận nó hay không. Giá trị của chúng ta phải do chính chúng ta tạo nên, không thể vì người khác nói bạn kém thông minh mà bạn liền tin rằng mình ngu dốt?
3. Tìm cơ hội bộc lộ quan điểm của bản thân
Im lặng cho qua khi bị chồng coi thường chỉ là giải pháp tình thế tránh xung đột ngay lúc đó. Bạn cần phải tìm cơ hội để nói cho chồng suy nghĩ và quan điểm của bản thân, đây là điều nhất định phải làm. Đừng bao giờ để chồng nghĩ rằng bạn nhu nhược, yếu đuối không dám ý kiến gì cả, không dám lên tiếng đấu tranh bảo vệ bản thân. Như vậy chính là vô tình tiếp tay cho chồng tiếp tục làm tổn thương mình, xem thường mình thêm nhiều lần khác nữa. Nếu nói thì nên chuẩn bị trước điều muốn nói và lựa thời điểm chồng đang vui vẻ hoặc tinh thần thoải mái để nói thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Chắc chắn một điều là bạn không phải người duy nhất bị chồng coi thường và đôi khi người đàn ông họ cũng không ý thức được những lời nói và việc làm của mình lại khiến cho vợ tổn thương, cảm thấy không được tôn trọng nhiều như thế. Vậy nên hãy bình tâm tĩnh lại trò chuyện thẳng thắn với nhau để tháo gỡ vấn đề đừng để sự việc đi quá xa đến nỗi chẳng thể vãn hồi.
Những xung đột, mâu thuẫn lớn, tình trạng ngoại tình thậm chí ly hôn hay tan vỡ ban đầu đều chỉ xuất phát từ những rắc rối rất nhỏ như thiếu tôn trọng người bạn đời. Nếu chúng ta không giải quyết sớm rất dễ gây ra các vấn đề trầm trọng hơn.
Theo Thủy Linh/ Dantri