Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, tác dụng tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.
Theo y học hiện đại, gừng chứa chất cineol giúp kích thích tại chỗ và diệt khuẩn. Ngoài ra, gừng còn chứa hợp chất gingerol giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, phòng trị bệnh cúm, cảm lạnh.
Nhờ tính cay nóng, uống nước gừng có thể giúp giãn các mao mạch, thú đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong. Khi tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn thì khả năng chống lại các virus, vi khuẩn liên quan đến đường hô hấp cũng tốt hơn. Đó là lý do vì sao người ta thường sử dụng gừng trong các bài thuốc trị bệnh liên quan đến hô hấp, cảm cúm, cảm lạnh thông thường.
Kết hợp gừng với 3 nguyên liệu này để tiêu mỡ, nhuận tràng, giảm đường huyết, giải độc
Gừng + mật ong
Gừng kết hợp với mật ong sẽ tạo thành một loại đồ uống tốt cho hệ tiêu hóa. Khi kết hợp với nhau, hai thứ này sẽ giúp điều trị chứng khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi. Ngoài ra, gừng có tính nóng còn giúp kích thích bài tiết của tế bào gan. Uống nước gừng mật ong sẽ giúp loại bỏ độc tố trong gan, làm sạch và phòng ngừa cách bệnh về gan.
Bên cạnh đó, nước gừng mật ong còn giúp tăng cảm giác thèm ăn, tạo sự ngon miệng, kích thích quá trình trao đổi chất.
Mướp đắng
Gừng kết hợp với mướp đắng có thể sẽ hơi khó uống nhưng nó cực kỳ có lợi cho việc chữa bệnh, trị táo bón. Gừng và mướp đắng ngâm nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giúp tiêu hóa tốt, tránh tích tụ các cặn thức ăn trong hệ tiêu hóa, giảm táo bón...
Ngoài ra, gừng và mướp đắng đều là thực phẩm giúp giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân là do trong gừng có chứa gingerol còn mướp đắng chứa charantin, vacine và một hợp chất tương tự insulin có tác dụng ổn định đường huyết.
Trần bì
Trong Đông y, trần bì (vị thuốc lấy từ vỏ cam quýt, chín phơi khô) có vị cay đắng, tính ôn, giúp kiện tỳ, lý khí, hóa đờm, tiêu ích, chỉ khái. Sự kết hợp của trần bì và gừng sẽ tạo ra một loại đồ uống có tác dụng cải thiện tình trạng táo bón, thú đẩy nhu động ruột, đẩy phân ra ngoài tốt hơn.
Ngoài ra, tinh dầu trong trần bì và gừng giúp giảm sự phát triển của các vi khuẩn gây hôi miệng.
Thời điểm tốt nhất để sử dụng gừng
Gừng tốt cho sức khỏe nhưng không phải dùng lúc nào cũng được. Tốt nhất nên dùng gừng vào buổi sáng bởi lúc này khí trong dạ dày nhiều, ăn/uống một chút gừng sẽ giúp kiện tì ôn vị, đem lại tác dụng tăng cường, thúc đẩy tuần hoàn máu và tiêu hóa.
Hạn chế sử dụng gừng vào buổi tối để tránh tình trạng nóng trong, mất ngủ vì gừng có tính kích thích, sử dụng nhiều trước khi đi ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
Người không nên sử dụng gừng
Gừng là loại gia vị tốt cho sức khỏe nhưng không nên lạm dụng. Sử dụng quá nhiều gừng sẽ gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.
Người tạng nóng, hay nhiệt miệng, táo bón nên hạn chế sử dụng các nguyên liệu có tính cay nóng như gừng.
Thành phần của gừng có chứa các chất hoạt động trên niêm mạc dạ dày, ruột, đại trại nên những người có bệnh đau dạ dày cũng nên hạn chế sử dụng loại nguyên liệu này.
Trường hợp đang sốt cao cũng không nên ăn gừng bởi vì tính nhiệt của gừng sẽ làm cho thân nhiệt càng tăng cao, gây tổn thương mạch máu.
Người bị say nắng, người vừa đi ngoài trời nắng nóng về cũng không nên uống nước gừng.
Theo Thanh Huyền/Khoevadep