Ở Ấn Độ và một số quốc gia khác, các nhà khoa học vẫn đang thử nghiệm hiệu quả của liều vắc xin COVID-19 “tăng cường”. Israel và Mỹ là 2 trong số các quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine mũi 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo Tiến sĩ Anup R Warrier, Chuyên gia tư vấn cấp cao của khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Aster, Ấn Độ, khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm chủng có thể suy giảm theo thời gian, cụ thể là ở mức độ kháng thể.
Việc tiêm mũi vắc xin bổ sung sẽ khiến hệ thống miễn dịch tiếp xúc lại với kháng nguyên miễn dịch, tái tạo lại “trí nhớ” bị mất sau các liều trước đó.
Tiến sĩ SN Aravinda, Chuyên gia tư vấn - Nội khoa, Bệnh viện Aster RV, JP Nagar, Bengaluru cũng đồng ý rằng khả năng miễn dịch của vaccine có thể suy yếu theo thời gian.
“Tùy vào các thử nghiệm và phát hiện lâm sàng, đối với vaccine tạo ra kháng thể trong thời gian từ 8 tháng đến một năm, có thể chỉ cần tiêm nhắc lại vài tháng một lần để duy trì khả năng miễn dịch”, Aravinda nói. “Sau một thời gian, mọi người sẽ phát triển khả năng miễn dịch cộng đồng và việc tiêm phòng sẽ không còn cần thiết nữa”.
Ngược lại, Tiến sĩ Warrier tin rằng còn quá sớm để bình luận về mũi tiêm bổ sung. Tuy nhiên, ông đồng ý rằng thế giới sẽ cần một đợt tiêm vắc xin tăng cường.
Tiến sĩ Aravinda cho biết liều lượng vắc xin ở mũi tiêm thường và mũi “bổ sung” là như nhau. “Sự khác biệt duy nhất là thời gian tiêm. Mũi tiêm nhắc lại được thực hiện khi tác dụng của đợt tiêm phòng đầu tiên dự kiến sẽ giảm”, ông nói.
Theo Song Long/Saostar