Khi thế giới mong ngóng vắc xin COVID-19, thì các chuyên gia y tế lo ngại rằng loại vắc xin này không hoạt động ở bệnh nhân béo phì.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cứ 3 người Mỹ thì có hơn 1 người bị béo phì và họ nằm trong nhóm có nhiều khả năng mắc bệnh và tử vong vì COVID-19.
Bác sĩ Matthew B. Laurens, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin COVID-19 tiên tiến nhất của Mỹ tại Đại học Y Maryland, cho biết: “Chúng tôi từng thử nghiệm các loại vắc xin khác ở những người béo phì thì những người này không đáp ứng tốt với các loại vắc xin đó.
|
Khi thế giới mong ngóng vắc xin COVID-19, thì các chuyên gia y tế lo ngại rằng loại vắc xin này không hoạt động ở bệnh nhân béo phì. Ảnh: Internet. |
Từ lâu, nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin chống lại các virus như cúm và viêm gan B, cũng như các sinh vật gây bệnh khác như uốn ván và bệnh dại, không hiệu quả ở người lớn béo phì so với những người gầy hơn họ.
Bằng chứng của hiện tượng này bắt đầu từ năm 1985, khi hàng trăm nhân viên bệnh viện ở Bắc Carolina được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B và sau đó được nghiên cứu để xem hệ thống miễn dịch của họ phản ứng như thế nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vắc xin có nguy cơ thất bại cao gấp đôi - nghĩa là nó không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ chống lại bệnh viêm gan B - ở những nhân viên có chỉ số khối cơ thể cao hơn (béo phì) so với đồng nghiệp của họ có chỉ số BMI thấp hơn.
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill đã báo cáo những phát hiện tương tự ở những bệnh nhân tiêm phòng cúm hàng năm. Trong nghiên cứu của họ trên 1.000 người tham gia, họ phát hiện ra rằng người lớn béo phì có nguy cơ mắc bệnh cúm hoặc bệnh giống cúm - mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin cao gấp đôi so với người lớn không béo phì.
Hiện có tới 42,4% dân số Mỹ được phân loại là béo phì và các nghiên cứu xác định béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm COVID-19 và các biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Do đó, các chuyên gia rất lo ngại khi vắc xin COVID-19 không hiệu quả với người béo phì.
Bác sĩ Laurens cho biết: "Chúng tôi nhận ra rằng trong khi chúng tôi đang phát triển một loại vắc xin cho COVID-19, nó có thể không hoạt động với tất cả mọi người, kể cả những người béo phì. Vì vậy, đó là một mối quan tâm".
Mời độc giả theo dõi video "Vì sao Covid-19 ít ảnh hưởng đến châu Phi?". Nguồn: VTC14.
Các chuyên gia chưa chắc chắn về lý do tại sao vắc xin dường như không có hiệu quả ở những người béo phì, nhưng có một số giả thuyết.
Một ý kiến cho rằng loại kim tiêm dài 1 inch thông thường được sử dụng để chích ngừa vắc xin không đủ dài để dùng cho người lớn béo phì. Điều này là do lớp mỡ dưới da có thể quá dày khiến kim tiêm không thể chạm đến cơ vai bên dưới, nơi chất lỏng vắc xin cần được lắng đọng để phát huy tác dụng tốt nhất.
Một giả thuyết khác cho rằng những người trưởng thành béo phì, do khối lượng cơ thể tăng lên, có thể thực sự cần một liều vắc xin lớn hơn, hoặc thậm chí là liều tăng cường, để hệ thống miễn dịch của họ sẵn sàng chống lại virus một cách thích hợp.
Giả thuyết thứ ba liên quan đến cách hệ thống miễn dịch của bệnh nhân béo phì hoạt động.
Theo bác sĩ Leonard Friedland, phó chủ tịch kiêm giám đốc các vấn đề khoa học và sức khỏe cộng đồng của GlaxoSmithKline Vaccines, "béo phì gây ra trạng thái viêm mãn tính ở người”. Tình trạng viêm liên tục, mức độ thấp này có thể là nguyên nhân ngăn cản một số vắc xin hoạt động ở người béo phì.
Hiện tại, có lẽ cách duy nhất để biết chắc chắn liệu vắc xin COVID-19 có hoạt động ở người béo phì hay không là đưa chúng vào các thử nghiệm lớn ở giai đoạn 3 - bước cuối cùng trước khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép lưu hành.
Trong lịch sử, những người béo phì phần lớn bị loại khỏi các cuộc thử nghiệm vắc xin, vì những căn bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao.
TS. Timothy Garvey, nhà nội tiết học và giám đốc mảng nghiên cứu đái tháo đường tại Đại học Alabama cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp những vấn đề đó, những người béo phì nếu được tiêm vắc xin thì vẫn an toàn hơn.
Thảo Nguyên (Theo ABC News)