Bài viết được chia sẻ bởi một người đàn ông giấu tên ở Trung Quốc trên trang Sohu.
Thứ 6 tuần trước, con tôi sốt cao lúc nửa đêm, nên tôi vội vàng đưa con tới bệnh viện. Đến nơi là 4h, trong bệnh viện đèn vẫn sáng trưng. Vừa bước vào, khung cảnh trước mắt tôi là những người đang ngủ trên băng ghế, có người ôm con, mệt mỏi nhìn người qua lại.
Trên hành lang, y tá chạy tới chạy lui đẩy giường bệnh nhân, người nhà vội vàng chạy theo. Trước cửa phòng chăm sóc đặc biệt, liên tục có tiếng người khóc và cãi nhau. Không nơi nào có thể phản ánh chân thực những niềm vui và nỗi buồn của thế giới như bệnh viện.
Nhìn cảnh tượng này, tôi chợt cảm thấy trên đời không có gì là không thể buông bỏ. Việc được sống quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Khi nhìn một bệnh nhân sắp chết, tâm trí bạn chẳng thể nghĩ tới những rắc rối trong công việc. Khi nhìn cảnh người nhà khóc hết nước mắt, những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình có gì mà to tát. Tôi nghĩ mọi thứ mình nhìn thấy trong bệnh viện đều là hình ảnh chân thực nhất về thế giới.
Bài học trước ranh giới sống – chết
Tại một trường đại học ở New Zealand, hàng năm tới mùa tốt nghiệp, nhà trường sẽ cho sinh viên tới thực tập tại bệnh viện. Sau đó, hiệu trưởng nhắn nhủ: “Bệnh viện là bài học cuối cùng dành cho các em. Cuộc đời không có gì đáng phải thất vọng, chỉ sống thôi cũng đủ khó khăn rồi”.
Trên đời không có gì quan trọng hơn sức khỏe, dù bạn có giàu có bao nhiêu thì cũng không bằng việc có sức khỏe tốt.
|
Trước giây phút sinh tử, không có gì quan trọng bằng sức khỏe. Ảnh: Sohu
|
Một nhân viên y tế đã kể câu chuyện về gia đình của 2 bệnh nhân khiến nhiều người suy ngẫm.
Bệnh nhân đầu tiên là một nhà sản xuất phim. Để mở rộng quan hệ, anh thường say khướt mỗi khi đi nhậu. Việc thức khuya, làm thêm giờ là thường tình. Khi được chẩn đoán bị viêm thận mãn tính, phải nhập viện điều trị, anh nhận ra công việc mình từng sống chết theo đuổi chẳng còn quan trọng nữa.
Anh thở dài: “Công việc giống như một quả bóng, nếu rơi xuống sẽ bật lại. Sức khỏe lại giống như quả cầu thuỷ tinh, một khi rơi xuống sẽ vỡ tan tành”.
Bệnh nhân thứ 2 là một người mẹ có con bị tăng kali máu. Cô cho biết mình chuẩn bị rất kỹ từ lúc mang thai, khi con được 5-6 tuổi đã được cho học piano, khiêu vũ. Khi con chuẩn bị vào tiểu học, cô đăng ký cho con học dự thính và nhiều lớp ngoại khóa khác nhau.
Mãi tới năm ngoái, khi con cô được phát hiện mắc bệnh. Cô nghĩ đó là căn bệnh nan y nên khóc mấy đêm liền, ngày nào cũng đưa con đi khám. May mắn thay, tăng kali máu không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Lúc này, cô mới bừng tỉnh và chú trọng tới sức khỏe của con mình hơn. Cô chỉ mong con được khỏe mạnh, học gì hay luyện tập gì cũng không còn quan trọng nữa. Trước khi con cô mắc bệnh, 2 vợ chồng lo đi làm, muốn kiếm nhiều tiền mua được ô tô, một ngôi nhà, cố làm thật nhiều để con cái không thua kém bạn bè.
Sau chuyện này, cô cảm thấy những điều trước đây mình quá chú trọng giờ thật tầm thường. Giờ đây cô chỉ có một suy nghĩ đơn giản, chỉ cần con còn sống là tốt rồi.
Điều bình thường hằng ngày là thứ xa xỉ trong bệnh viện
Một cư dân mạng chụp được bức ảnh một gia đình 3 người đang chơi đùa với nhau. Người bố mắc bệnh bạch cầu, vì sức đề kháng thấp nên nếu nhiễm bệnh có thể tử vong.
|
Gia đình 3 người đáng lẽ sẽ rất hạnh phúc ở một nơi khác. Ảnh: Sohu
|
Người bố phải ở lại bệnh viện theo dõi, người nhà có 2 tiếng rưỡi ghé thăm. Hôm đó, mẹ dẫn con gái tới thăm bố. Ba người chơi trò đại bàng bắt gà con. Khi thấy cảnh này, nhiều người nghĩ đáng lẽ điều này nên xuất hiện vào một buổi chiều đầy nắng trong công viên, một gia đình 3 người hạnh phúc chơi đùa với nhau.
Khi chạm tới ranh giới giữa sống và chết, khi đau đớn chịu đựng nỗi đau bệnh tật mỗi ngày, người ta mới nhận ra hóa ra những điều bình thường trong cuộc sống lại trở nên xa xỉ trong bệnh viện.
Bạn nghĩ cuộc sống của mình lặp đi lặp lại và nhàm chán, nhưng những người mắc bệnh nan y lại cho rằng, được ngắm bình minh, ngửi mùi thơm của hoa, trò chuyện với những người thân thiết là món quà tuyệt vời nhất của cuộc sống.
Nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer từng nói: “Người ăn xin khỏe mạnh hạnh phúc hơn một vị vua ốm yếu”.
Hạnh phúc rốt cuộc là gì? Đối với một số người, đó chính là được chạy nhảy dưới ánh hoàng hôn, được ăn uống no say cùng bạn bè, được nắm tay vợ/chồng tới già. Thế nhưng, đối với những bệnh nhân trong bệnh viện, họ không biết ý nghĩa cuộc sống là gì, bởi chỉ cần được sống như người bình thường đã là niềm hạnh phúc lớn nhất.
Người duy nhất đồng hành cùng bạn vượt qua khó khăn là gia đình
Có một bộ phim ngắn kể về câu chuyện của một thợ chà nhám tên Dai Zhaozhang (Trung Quốc). Do tính chất công việc nên phổi của anh chứa đầy bụi hợp kim. Anh chỉ có thể nằm trên giường và dựa vào máy thở để duy trì sự sống.
Bác sĩ cho biết, nếu Dai Zhaozhang không được ghép phổi sẽ không thể sống được. Dù chỉ có 50% cơ hội sống sót, nhưng cha anh nhất quyết đòi thay phổi cho con trai mình.
Để có tiền chữa bệnh, người cha đã đi từng nhà trong làng để vay tiền. Vào ngày phẫu thuật, sau 4 tiếng bác sĩ ra sức cứu chữa, tảng đá trong lòng người cha già cuối cùng cũng rơi xuống.
Khi nhìn thấy con trai dần hồi phục và có thể ăn được, người cha mới có thể mỉm cười mãn nguyện. Đối với người cha, chỉ cần con khỏe mạnh, dù có vào dầu sôi lửa bỏng vẫn chấp nhận.
Dai Zhaozhang chứng kiến sự hy sinh vô bờ bến của cha mình, anh xúc động nghẹn ngào.
Khi trải qua một trận thập tử nhất sinh, hiểu biết về cảm xúc của chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Cha mẹ - những người mà bạn coi thường là già nua và vô dụng, hóa ra lại luôn bên cạnh con cái. Vợ chồng – người đầu ấp tay gối mà bạn thường cãi vã, mới là người ở bên cạnh lúc ốm đau.
Khi cận kề cái chết, bạn sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc sống. Trong cuộc sống không có gì quan trọng hơn việc được sống. Có cơm ăn áo mặc, không muộn phiền lo lắng là một phúc lành.
Theo Phan Hằng/Vietnamnet