Vệ sinh… giấc ngủ tránh mắc bệnh thần kinh

Google News

Vệ sinh giấc ngủ là câu chuyện cũ của một số người nhưng là câu chuyện lạ của rất nhiều người. 

Vệ sinh giấc ngủ là câu chuyện cũ của một số người nhưng là câu chuyện lạ của rất nhiều người. Thông thường khi nói đến giấc ngủ, mọi người thường quan tâm đến vệ sinh cá nhân, ăn gì, mặc gì và ngủ hướng nào là hợp nhất, còn việc làm sao cho đầu óc thoải mái, loại bỏ những vướng bận trước khi đi vào giấc ngủ lại không được nhiều người quan tâm. Và thực tế cho thấy nếu coi thường vệ sinh giấc ngủ, sẽ có nhiều người phải trả giá khá đắt.
Loạn thần do mất ngủ liên tục
Liên tục mất ngủ trong nhiều tháng, tâm trạng xuống dốc, chị LTH rơi vào trạng thái bần thần, không tập trung vào công việc, thậm chí cáu gắt với mọi người. So với một người điềm tĩnh, khỏe mạnh như trước, ở tuổi 27 chị H. được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm nặng dẫn đến rối loạn thần kinh, phải chấm dứt công việc và có nguy cơ phải trị liệu tâm lý lâu dài tại khoa Tâm thần kinh BV quận 2.
Theo bác sĩ kể lại, chị được tư vấn tâm lý và nhập viện vào đầu tháng 3-2017 trong trạng thái sa sút trầm trọng về sức khỏe cũng như tâm thần. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân kể mình làm quản lý tại một công ty thiết kế. Khoảng một năm trở lại đây, do gia đình gặp nhiều chuyện rắc rối, chồng qua đời vì tai nạn giao thông, thêm áp lực công việc khiến bệnh nhân lo lắng, suy nghĩ liên tục. Buổi tối đi ngủ bệnh nhân cũng không thoát khỏi lo lắng, hay giật mình tỉnh giấc, gặp ác mộng và hơn ba tháng không có được giấc ngủ sâu nào.
Tại phòng khám tâm thần kinh của ThS-BS Lê Văn Thận (quận 10), số lượng bệnh nhân nam đến khám với các trạng thái lơ lửng, đau nhức đầu óc do căng thẳng nhiều hơn phụ nữ. Theo BS Thận, tất cả bệnh nhân đến khám về tâm lý đều có một nguyên nhân chính mà bản thân không biết đó là không vệ sinh giấc ngủ mỗi ngày.
Ve sinh… giac ngu tranh mac benh than kinh
Khám tâm lý không dùng thuốc tại một phòng khám tâm lý. Ảnh: HẢI ÂU 
Phòng tốt hơn trị
Theo ThS-BS Lê Văn Thận, vệ sinh giấc ngủ có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phục hồi khả năng làm việc của cơ thể. Nó là loại hình nghỉ ngơi không thể thay thế, vì chỉ thiếu ngủ thôi sẽ mang đến tác hại nhiều hơn cả.
Đa phần những người làm việc căng thẳng, áp lực từ xã hội đều mang vào trong giấc ngủ để suy nghĩ, lâu dần những vấn đề tích tụ trong các ngăn não tạo thành thói quen xấu. Việc không vệ sinh giấc ngủ dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Khi mất ngủ, cơ thể sẽ diễn tiến phức tạp, hệ thần kinh không phản ứng với các kích thích, tim đập chậm đi, huyết áp giảm, tần số hô hấp giảm, cơ bắp thả lỏng, trao đổi chất giảm, nhất là trong các tế bào thần kinh. Nếu thiếu giấc ngủ thường xuyên hoặc mang những lo toan, áp lực công việc vào giấc ngủ, nhiều người sẽ bị suy nhược cơ thể, giảm khả năng làm việc và sức đề kháng của cơ thể.
“Biểu hiện ban đầu mang đến thường là sự mất tập trung, những cơn đau đầu chập chờn, sau đó là thay đổi tính cách, mệt mỏi. Nặng hơn, người bệnh dễ rơi vào trầm cảm, tâm thần, thậm chí không kiểm soát được hành động của mình. Có người đã quá hoảng loạn, dẫn đến việc tự tìm cái chết để giải thoát” - BS Thận kể.
Thực tế ngày càng có nhiều người mất ngủ. Ban đầu họ cắt xén thời gian ngủ để làm những việc khác được cho là quan trọng hơn. Lâu dần thiếu ngủ, người lúc nào cũng mệt mỏi, muốn ngủ nhưng đến giờ ngủ lại trằn trọc không ngủ được.
Do vậy mọi người nên lưu ý không nên ngủ sau khi vừa kết thúc một công việc trí óc hoặc chân tay căng thẳng. Tốt nhất là trước khi ngủ nên làm một việc gì đó nhẹ nhàng, hoặc dạo chơi, hoặc đọc một vài trang sách. Loại bỏ hết những nặng nề trong các ngăn não, tạo cho mình trạng thái thật thoải mái, tập giấc ngủ đủ dài và liên tục vào đúng một thời gian nhất định để tạo thói quen buồn ngủ khi đến giờ. Đó chính là cách thức mọi người vệ sinh giấc ngủ tốt nhất.
Theo Hải Âu/Pháp Luật TPHCM