Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu nguy hiểm sao?

Google News

Vi khuẩn bạch hầu có khả năng sinh ngoại độc tố. 1mg độc tố này có thể giết chết 1.000 con chuột lang nặng 250 g sau 96 giờ.

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng,...có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae, có 4 tuýp gồm: Gravis, Mitis, Belfanti, và Intermedius. Những tuýp này khác nhau tương đối về hình thể và tính chất sinh hóa nhưng giống nhau ở khả năng sinh độc tố.
Vi khuan gay benh bach hau nguy hiem sao?
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Ảnh: Wikipedia.  
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vi khuẩn bạch hầu có hình thái đa dạng. Hình thái điển hình của vi khuẩn bạch hầu là trực khuẩn, có 1 hoặc 2 đầu phình to nên còn được gọi là trực khuẩn hình chùy, độ dài 2 - 6 μm và rộng 0,5 - 1μm. Vi khuẩn bạch hầu không có vỏ, không sinh nha bào và không di động.
Khả năng tồn tại của vi khuẩn trong các môi trường khác nhau cũng có sự khác nhau. Cụ thể:
+ Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
+ Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu.
Bản chất ngoại độc tố bạch hầu là protein có tính kháng nguyên đặc hiệu không bền với nhiệt và formol. Đây là 1 độc tố mạnh, 1mg độc tố có thể giết chết 1.000 con chuột lang nặng 250 g sau 96 giờ. Nếu cho tác dụng với formol 0,3 - 0,4 % ở nhiệt độ 40 độ C sau 1 tháng thì độc tố bạch hầu biến thành giải độc tố được sử dụng để làm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu
Về cơ chế gây bệnh, theo thông tin trên trang web của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vi khuẩn bạch hầu vào đường hô hấp, cư trú ở niêm mạc hầu, họng, phát triển ở đường hô hấp trên và tiết ra ngoại độc tố.
Một mặt, vi khuẩn và độc tố kích thích gây loét tại chỗ tạo thành màng giả màu trắng xám, dính chặt vào niêm mạc, bóc ra làm chảy máu và cho vào nước không tan. Màng giả thường xuất hiện trước tiên ở họng rồi lan tràn lên đường mũi hoặc xuống khí quản. Bạch hầu thanh quản đặc biệt nghiêm trọng vì gây khó thở.
Mặt khác, ngoại độc tố theo đường máu đến tác động vào hệ thống thần kinh gây nên các hiện tượng như liệt vòm miệng, cơ mắt, tứ chi và thương tổn tại tuyến thượng thận, độc tố bạch hầu còn tác động lên tim gây rối loạn nhịp, suy tim...
Ngoài ra, cũng có bạch hầu ở da hoặc ở các vết thương, ở đây màng giả cũng được tạo thành, tuy nhiên sự phân tán độc tố thường nhẹ, không gây những triệu chứng đáng kể.
Bệnh bạch hầu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là rất quan trọng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)