Vì sao châu chấu rang khiến người ăn nhập viện?

Google News

Sau khi ăn châu chấu rang, nhiều người bị sốc phản vệ đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí có trường hợp tử vong.

Sốc phản vệ, tử vong sau khi ăn châu chấu rang
Mới đây, một phụ nữ ở Nghệ An tử vong sau khi ăn một con châu chấu rang chín. Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, vào khoảng 17h ngày 14/8, chị N.T.N (28 tuổi, trú xóm Hương Sơn, xã Nghĩa Long) cùng một số người rang một đĩa châu chấu để ăn.
Lúc này, chị N. chỉ mới ăn được một con nhưng có dấu hiệu bị ngứa, khó thở. Sau đó, chị nhanh chóng đến Trạm Y tế xã Nghĩa Long để thăm khám.
Người phụ nữ này tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An để cấp cứu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng (nghi sốc phản vệ), nạn nhân đã tử vong.
Vi sao chau chau rang khien nguoi an nhap vien?
 Ảnh minh họa. 
Trước đó, vào tháng 7/2023, một nam thanh niên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cấp cứu. Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trên da toàn thân xuất hiện nhiều ban dị ứng màu đỏ, kích thước 3-5 mm, ngứa; tím môi và đầu chi, khó thở nhanh nông, đau tức ngực, thể trạng mệt mỏi, huyết áp 70/40 mmHg.
Người bệnh được chẩn đoán sốc phản vệ do ăn châu chấu.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho người bệnh và xử trí theo phác đồ xử trí phản vệ. May mắn, sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, có thể ra viện sau vài ngày.
Nguy hiểm khôn lường từ món ăn côn trùng
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), côn trùng là động vật không xương sống, phân bố rộng rãi nhất trên Trái Đất với hơn 1 triệu loài đã được mô tả (chiếm hơn một nửa tổng số tất cả loài sinh vật sống mà con người đã biết) ở gần như tất cả môi trường sống.
Ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, với một số loài côn trùng như châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây…, thậm chí còn được chế biến thành những món đặc sản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người ăn.
Ngộ độc do thức ăn chế biến từ côn trùng từng xác định là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…); côn trùng có các chất tiết có độc tố không bị phá hủy khi nấu…
Ngoài ra, côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm nếu dùng chế biến thức ăn.
Bác sĩ cho biết, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm, cần được xử lý và cấp cứu ngay lập tức, càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng dị ứng hay sốc phản vệ xảy ra, người dân nên hạn chế ăn và loại bỏ thói quen ăn châu chấu hay những món lạ khác, nhất là người có cơ địa dị ứng.
Nếu thấy các dấu hiệu sẩn ngứa, khó thở… nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Cảnh báo ngộ độc do ăn cua mặt quỷ

Nguồn video: VTV

P.V (Tổng hợp)