Thời gian gần đây, anh Trương (33 tuổi, Trung Quốc) thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thức dậy buổi sáng. Cho rằng tình trạng bắt nguồn từ việc thiếu ngủ, áp lực công việc nên anh Trương không để tâm nhiều.
Vậy nhưng, thời tiết càng nắng nóng, cơ thể Trương càng khó chịu, cảm giác mệt mỏi, khô miệng, đắng miệng luôn thường trực. Đôi khi anh còn bị tiêu chảy, mồ hôi ra nhiều, ăn không thấy ngon... ảnh hưởng đến chất lượng công việc nên đi viện khám. Tại bệnh viện, bác sĩ cho rằng cơ thể anh Trương có độ ẩm quá cao.
Bàn về độ ẩm cơ thể, Shi Mingwei - Giám đốc Khoa Y học sơ bộ, Bệnh viện Liên kết 3, Đại học Y học cổ truyền Hà Nam (Trung Quốc) cho rằng, độ ẩm có thể hiểu là lượng nước dư thừa trong cơ thể không thể chuyển hóa bình thường. Độ ẩm cơ thể cao có thể bắt nguồn từ 2 nguyên nhân.
|
Độ ẩm cơ thể cao khiến tay chân nặng nề, đau nhức, mệt mỏi, ăn không ngon, chướng bụng, buồn nôn.... (Ảnh: Sohu) |
Thứ nhất, độ ẩm cơ thể cao bắt nguồn từ môi trường ẩm ướt. Chẳng hạn, sinh sống thời gian dài trong khí hậu ẩm ướt, nhà ẩm thấp... khiến mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy tay chân nặng nề, đau nhức, đôi khi còn có cảm giác ngứa, da bị chàm.
Thứ hai, độ ẩm cao do chức năng tỳ vị không đảm bảo. Tình trạng này thường do ăn nhiều dầu mỡ, uống quá nhiều rượu, suy nghĩ nhiều và lười vận động. Chức năng chuyển hóa của tỳ vị, dạ dày bị tổn thương khiến dịch trong cơ thể không hoạt động được, tích tụ tạo thành độ ẩm cơ thể cao.
Độ ẩm cao do chức năng tỳ vị kém thường có dấu hiệu chướng bụng, nôn và buồn nôn.
Lý giải hiện tượng mùa hè là thời điểm dương khí cực vượng song tình trạng tích ẩm cơ thể vẫn cao, ông Shi Mingwei cho rằng thời điểm này nhiều nắng song cũng hay mưa, độ ẩm không khí rất cao. Hơn nữa, sử dụng điều hòa thường xuyên khiến mồ hôi khó tiết ra, ứ đọng trong cơ thể gây tình trạng ẩm ướt càng rõ rệt.
Theo y học cổ truyền, độ ẩm cơ thể cao dễ tổn hại dương khí, làm tắc nghẽn dương khí. Độ ẩm cao gây nhiều triệu chứng khó chịu cho cơ thể như buồn ngủ, chân tay nặng nề, chán ăn, da nổi mẩn đỏ, phân dính và khó chịu, lưỡi nhờn và vàng...
Để đánh giá độ ẩm cơ thể cao hay thấp, Shi Mingwei khuyên nên chú ý đến độ dính của phân ngay sau khi đi vệ sinh. Sau khi xả nước, nếu phân vẫn dính vào bồn cầu chứng tỏ độ ẩm cơ thể cao. Ngoài ra, hiện tượng chướng bụng, da bị chàm...cũng được xem là một trong những dấu hiệu độ ẩm cơ thể cao.
Để khử ẩm cơ thể, Shi Mingwei khuyến nghị nên khử ẩm toàn diện cả trong lẫn ngoài. Để khử ẩm từ bên ngoài, bạn nên tránh không gian sống ẩm thấp. Nơi ở cần thông thoáng, ánh nắng có thể chiếu vào.
Để khử ẩm từ bên trong, bạn nên tránh ăn nhiều đồ lạnh, đồ dầu mỡ, ăn quá no. Thay vào đó, chú ý ăn nhạt, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu. Không ngồi hoặc nằm lâu sau ăn; tích cực vận động để đẩy mạnh quá trình chuyển hóa nước, chất lỏng trong cơ thể.
Bạn cũng nên tăng cường thực phẩm bổ tỳ vị, lợi tiểu như rau dền, đậu lăng, bầu sáp, đậu xanh, dưa hấu...Ở đó, rau dền tính mát, vị ngọt, giàu canxi, dễ hấp thu, mang lại hiệu quả giải độc, thanh nhiệt, thông tiểu. Đinh lăng là cây có khả năng bổ tỳ, ích khí, giảm nóng ẩm mùa hè, lợi tiểu, tiêu sưng.
Trong khi đó, mướp và dưa hấu có tính lạnh, ngọt, là thực phẩm thanh nhiệt, thúc đẩy sản dịch. Ăn nhiều mướp và dưa hấu trong thời tiết nóng ẩm có tác dụng lợi tiểu rất tốt.
Xoa bóp các huyệt như Âm Lăng Tuyền (huyệt nằm ở vị trí lõm, ở chỗ nhô cao của đầu gối, ở mặt trong chân), huyệt Ủy Trung (huyệt nằm giữa vị trí gấp nhượng chân) sẽ mang lại hiệu quả đả thông kinh mạch, loại bỏ ẩm ướt, giải độc.
Một cách đơn giản khác để khử ẩm là ngâm chân nước ấm. Chú ý, nhiệt độ nước nên duy trì khoảng 40°C, lượng nước cần ngập bắp chân.
Thời điểm ngâm chân lợi nhất là khung giờ 19-21 giờ mỗi tối. Trước khi ngâm, nên uống một cốc nước ấm để thúc đẩy trao đổi chất trong cơ thể. Sau khi ngâm, bạn có thể thực hiện vài thao tác massage để ổn định quá trình tuần hoàn máu, điều hòa lục phủ ngũ tạng.
Định Tâm (Theo SH)