Giảm trí nhớ hay còn gọi là sa sút trí tuệ chỉ quá trình suy giảm nhận thức chủ yếu là trí nhớ và chức năng điều hành. Việc giảm trí nhớ không chỉ ảnh hưởng tới khả năng lao động, sinh hoạt mà còn cả giao tiếp xã hội của người bệnh.
Quá trình giảm trí nhớ xảy ra khi các tế bào thần kinh bị tổn thương hoặc mất, do đó các kết nối của chúng với não cũng bị ảnh hưởng. Tùy vào từng vị trí bị tổn thương, việc giảm trí nhớ có thể gây ra các ảnh hưởng và triệu chứng khác nhau.
Suy giảm trí nhớ trước kia thường gặp ở những người già (70-80 tuổi) tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa có thể gặp ở người 40-50 tuổi hoặc trẻ hơn nữa.
Sa sút trí tuệ đang có xu hướng trẻ hóa có thể gặp ở người 40-50 tuổi hoặc ít tuổi hơn nữa.
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ vào mùa lạnh
Chức năng nhận thức của con người vào mùa đông có xu hướng thấp hơn mùa thu và mùa hè. Vào mùa lạnh, có một số nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ như:
- Nhiệt độ: Khi thời tiết lạnh, cơ thể cần tốn nhiều năng lượng hơn từ đó làm tăng các triệu chứng của một số bệnh nền thường gặp ở người cao tuổi như: xương khớp, tim mạch.
Hơn nữa, người cao tuổi dễ gặp tình trạng máu không đủ tưới lên não khi nhiệt độ chênh lệch quá lớn nhất là vào ban đêm và thường dẫn tới đột quỵ khi trời lạnh xảy ra nhiều hơn. Thậm chí nhiều người do ảnh hưởng của việc mất trí nhớ có thể khiến họ khó/không nhận ra sự thay đổi của nhiệt độ từ đó dễ gây ra tình trạng hạ thân nhiệt hoặc bị té ngã.
- Ánh sáng: Vào mùa đông, việc thiếu ánh sáng có thể khiến con người gặp khó khăn khi nhận thức hoàn cảnh. Người bệnh suy giảm trí nhớ dễ bị tăng rối loạn hành vi trong khoảng thời gian tối và vào ban đêm.
- Trầm cảm mùa: Vào mùa đông, trầm cảm mùa có thể xuất hiện cùng lúc với suy giảm trí nhớ và làm nặng hơn tình trạng này.
Phòng ngừa suy giảm trí nhớ khi trời lạnh
Suy giảm trí nhớ diễn ra theo mức độ lão hóa của cơ thể do vậy không có cách nào để ngăn ngừa. Tuy nhiên bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau để giảm tối thiểu nguy cơ suy giảm trí nhớ.
- Vào mùa đông cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để đảm bảo quá trình trao đổi chất, ổn định thân nhiệt. Do vậy, con người có xu hướng nạp nhiều thực phẩm hơn vào mùa đông. Mọi người nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày thực phẩm giàu Omega-3, trái cây và rau quả đồng thời giảm bớt thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn. Đừng quên bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nếu muốn nạp protein cho cơ thể, nên chọn các loại thịt không béo như gà hoặc cá.
- Theo dõi và quản lý huyết áp ổn định.
- Ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
- Tập thể dục, vận động thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình hoặc 75 phút với cường độ mạnh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2015 trên thế giới có khoảng 50 triệu người mắc chứng sa sút trí tuệ và mỗi năm có thêm gần 10 triệu ca mắc mới, trong số đó có 5-8% nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Dự kiến, số người mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ tăng lên 82 triệu người vào năm 2030, 152 triệu người vào năm 2050, phần lớn là trường hợp ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo BSCKI Đoàn Sơn Tùng /Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1