“Ngân hàng máu sống”
Anh Đỗ Thành Long phát hiện mình mang nhóm máu hiếm vào đầu năm 2015. Khi đó, bé gái thứ 2 của vợ chồng anh chào đời và được tầm soát sơ sinh, các bác sỹ thông báo bé mang nhóm máu hiếm O Rh(-).
Nhận được thông tin của bác sỹ, anh Long kiểm tra và vui mừng khi biết mình mang nhóm máu hiếm.
Đại diện lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, ở Việt Nam, 99,96% người thuộc nhóm máu Rh+ (O+, B+, A+, AB+) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người có nhóm máu Rh- (O-, B-, A-, AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu tỷ lệ chiếm dưới 0,1% trong cộng đồng được xếp vào nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm.
“Sau khi tìm hiểu mình thấy trong danh sách những tình nguyện viên hiến máu, không có nhiều người mang nhóm máu hiếm. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân lại rất cần nhóm máu này nên mình đăng ký hiến máu tình nguyện từ năm 2015” – Anh Long chia sẻ.
|
Anh Thành Long và con gái mang nhóm máu hiếm O Rh(-) |
Kể về lần đầu đi hiến máu anh Long cho biết, đầu năm 2015, cán bộ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương gọi điện vận động anh hiến máu cho một ca cấp cứu. Bệnh nhân là một nữ bị bệnh tim, đang nguy kịch và nằm trên bàn mổ cấp cứu. Không nghĩ ngợi nhiều, anh Long đã lập tức đến viện và hiến máu.
Ngay sau đó, anh Long cùng đứa con thứ hai có tên trong danh sách nhóm máu hiếm của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Anh nói vui “Mình được các nhân viên của bệnh viện và người thân gọi là ngân hàng máu sống”.
Mỗi năm tình nguyện hiến máu 7 lần
Từ 2015 đến nay, anh Long đã tham gia hiến máu 21 lần, trong đó có 2-3 lần hiến máu toàn phần, còn lại anh hiến tiểu cầu. “Bác sĩ nói tiểu cầu của tôi rất tốt nên trung bình mỗi năm, tôi đi hiến máu 7 lần”, anh Long nói.
Quy định của hiến máu toàn phần là khoảng 3 tháng/lần. Nhưng anh Thành Long được vận động hiến tiểu cầu, khoảng cách hồi phục của cơ thể giữa các lần cần tối thiểu là ba tuần, vì thế Long mới mạnh dạn hiến tiểu cầu tới 21 lần chỉ trong hơn hai năm qua.
|
Anh Long là nhân vật đặc biệt trong 100 tình nguyện viên tiêu biểu được tôn vinh năm nay |
Tiết lộ về lý do không tham gia hiến máu tình nguyện như các tình nguyện viên khác, Long cho biết vì máu không thể lưu trữ lâu nên với những người nhóm máu đặc biệt như anh, các bác sĩ sẽ gọi khi có bệnh nhân cấp cứu mang nhóm máu O Rh(-).
Bận rộn với công việc là Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học - Công nghệ), anh Long ít có điều kiện tham gia vào câu lạc bộ các tình nguyện viên hiến máu, nhưng anh vẫn đều đặn hiến máu, có mặt khi có cuộc gọi từ các nhân viên y tế cần.
“Tôi rất hiểu ý nghĩa của từng giọt máu hồng tình nguyện đối với những ca cấp cứu đặc biệt, cần tiếp máu nên tôi sẵn sàng đi hiến khi có các đợt hiến máu tình nguyện, cũng như sắp xếp công việc để tới khi các bác sỹ gọi. Với tôi, đó cũng là một niềm hạnh phúc” – Anh Long bày tỏ.
Tâm An