Ngày 24/11, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị khoa học quốc gia về phòng chống HIV/AIDS lần thứ VI. Tham dự khai mạc có Phó Thủ tướng TS. Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Giáo sư đoạt giải Nobel Y học Francois Barre Sinoussi, các đại diện Quỹ Toàn cầu, UNAIDS...
Tại hội thảo, Giáo sư đoạt giải Nobel Y học người Pháp Francois Barre Sinoussi đã cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị HIV/AIDS, vaccine và thuốc phòng ngừa HIV/AIDS, tiến bộ trong điều trị một số loại ung thư liên quan. Bà cho biết công cuộc phòng chống đại dịch AIDS toàn cầu cần có sự nhập cuộc của các nhà khoa học để tiến tới xóa sổ đại dịch và phòng ngừa sự lây lan của HIV cũng như cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
|
Giáo sư người Pháp Francois Barre Sinoussi (Nobel Y học 2008) cập nhật những tiến bộ y học tại Hội nghị quốc gia phòng chống HIV/AIS (24/11/2015). |
Hội thảo này là dịp để hội tụ các nhà nghiên cứu và các tổ chức phòng chống AIDS, xem xét sự tiến bộ để hiểu rõ hơn về những khó khăn gặp phải hiện nay và trong tương lai, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học Pháp với các nhà khoa học Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt là với Mỹ.
Việt Nam cam kết sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng – 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định – hướng đến kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
|
GS. Francois Barre Sinoussi trò chuyện với các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tại Đại sứ quán Pháp tối 23/11/2015. |
Với việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn tài trợ của quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV đã giảm đáng kể và hiện chưa có cam kết tài chính nào thêm sau năm 2017. Chính vì vậy, khối nhà nước và tư nhân hơn bao giờ hết cần hợp tác tham gia vào quá trình chuyển giao và nỗ lực duy trì bền vững công cuộc phòng chống HIV.
Tại hội thảo vệ tinh “Chuyển giao bền vững chương trình HIV/AIDS ở Việt Nam”, PGS. TS. Bùi Đức Dương – Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế - chia sẻ: “Đây chính là thời điểm quan trọng Việt Nam chúng ta cần nhanh chóng đảm bảo bền vững tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS thay vì dựa chủ yếu vào nguồn tài trợ từ nước ngoài như hiện nay, đồng thời thực hiện cam kết của mình đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng đến kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.”
Ông John Eyres, Giám đốc Văn phòng y tế, USAID Việt Nam chia sẻ“Trong Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), USAID và các đối tác trong suốt 10 năm qua đã giúp gần 100.000 người được điều trị ARV và hơn 30.000 người được điều trị Methadone. Để đạt được mục tiêu 90-90-90 và đảm bảo có đủ nguồn cung ứng thuốc ARV cho các bệnh nhân mới, Việt Nam cần áp dụng các giải pháp bao gồm sử dụng nguồn tài chính địa phương và bảo hiểm y tế để tăng đóng góp của xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV”.
Thông qua quan hệ đối tác mạnh mẽ và tăng cường năng lực cho khối nhà nước, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các nhu cầu của hệ thống y tế ở trung ương và các tỉnh thành. Cụ thể, tăng cường vai trò của địa phương trong quản lý các dịch vụ chăm sóc & điều trị HIV, điều trị Methadone, xây dựng và thực hiện các mô hình và công cụ phù hợp tình hình địa phương để ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Reed Ramlow, Trưởng đại diện tổ chức FHI 360 tại Việt Nam, và Giám đốc dự án SMART TA do USAID tài trợ và tổ chức FHI 360 thực hiện chia sẻ: “Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực quốc gia trong việc xây dựng hệ thống y tế ứng phó với dịch HIV, với sự hỗ trợ của các dự án như USAID/SMART TA, chúng ta không còn nghi ngờ về khả năng duy trì dịch vụ HIV có chất lượng và cung cấp dịch vụ điều trị ARV cho người nhiễm HIV sau khi nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm.
Các chương trình tài trợ bởi USAID như SMART TA sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển giao có trách nhiệm để đảm bảo người dân Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng trong hiện tại và tương lai.”
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực sẵn sàng cam kết các mục tiêu 90-90-90 đặt ra bởi UNAIDS tới năm 2020.
*90% số người nhiễm HIV bị phát hiện dương tính
*90% số người sàng lọc được điều trị chống lại virút HIV
*90% những người được điều trị kiểm soát được sự sao chép của virút.
Chiến lược mới về xét nghiệm HIV để đạt mục tiêu 90-90-90
Tại Việt Nam, trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (VAAC/MoH) đang thử nghiệm mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng như là một phần trong các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu "90" đầu tiên: "90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình".
Theo Sức Khỏe Đời Sống