Sáng 27/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.
Kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là virus corona chủng mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.
Các chủng mới có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng đã ghi nhận. Tuy nhiên, theo ông Long, các nhà nghiên cứu chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
|
Hình ảnh chủng mới của virus corona dưới siêu kính hiển vi. Ảnh: Bộ Y tế. |
Hiện vẫn chưa rõ liệu các chủng virus SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng có tương đồng với chủng ở Bắc Kinh hay không.
Tuy nhiên, chuyên gia dịch tễ học của CDC Trung Quốc Wu Zunyou, chia sẻ với truyền thông rằng virus corona ở Bắc Kinh có nhiều nét tương đồng với virus corona ở châu Âu. Ông Wu không nói chi tiết về vấn đề này nhưng cho rằng virus corona tìm thấy tại Mỹ và Nga hầu như xuất xứ từ châu Âu.
Trong cuộc truy dấu nguồn gốc chủng virus corona đang hoành hành ở Bắc Kinh, ông Wu cho biết virus này không có nguồn gốc ở thủ đô Trung Quốc.
"Theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học và gen sơ bộ, virus này có nguồn gốc từ châu Âu nhưng lại có điểm khác so với virus đang lây nhiễm rộng ở châu Âu. Nó đã tồn tại lâu hơn chủng virus hiện đang lây lan rộng ở châu Âu", ông Zhang Yong, quan chức CDC Trung Quốc, nói.
Ông Zhang cho biết có rất nhiều giả thiết về cách làm thế nào mà virus này lại đến Trung Quốc.
"Nó có thể nằm trong các mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, hoặc có thể ẩn nấp trong môi trường tối và ẩm ướt như chợ Tân Phát Địa", ông Zhang viết trong một bài viết đăng trên trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương.
|
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam đã có sự biến đổi và tiến hóa so với giai đoạn đầu của dịch. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ trên Zing.vn, một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm và từng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, cho biết hiện tại, virus SARS-CoV-2 trên thế giới được phân loại thành 7-8 chủng khác nhau. Về chủng virus tại Đà Nẵng, chúng ta cần có nghiên cứu cụ thể hơn để xác định mức độ độc lực cũng như phương hướng điều trị.
Bác sĩ này cho biết thêm thông thường, theo thời gian, virus có thể tăng hoặc giảm độc lực. Chủng virus sẽ giảm độc lực khi nồng độ kháng thể của con người tăng cao hơn. Khi cộng đồng càng có nhiều kháng thể chống lại virus, chúng sẽ có xu hướng giảm sự lây lan hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, chủng SARS-CoV-2 vẫn còn rất mới.
Ngoài yếu tố đặc tính riêng, việc lây nhiễm của các chủng SARS-CoV-2 còn phụ thuộc vào môi trường sống, vị trí địa lý vùng miền và cơ thể cảm nhiễm. Việc phát hiện những biến đổi của virus sẽ giúp cho quá trình sản xuất vaccine phòng bệnh hiệu quả hơn.
Mời độc giả theo dõi video "Ca mắc Covid-19 (BN416) ở Đà Nẵng có dấu hiệu giống bệnh nhân 91". Nguồn: VTC Now.
Trước đó, PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam đã có sự biến đổi và tiến hóa so với giai đoạn đầu của dịch.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã qua hai đợt dịch và đang bước vào giai đoạn 3 của dịch Covid-19. Sau khi phân lập được virus SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hiện vẫn đang nghiên cứu về sự biến đổi của virus này.
PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, khi phân tích các virus trên bệnh phẩm từ các bệnh nhân, kết quả cho thấy, virus gây bệnh đã tách thành hai nhóm khác hẳn nhau. Giai đoạn trước, các bệnh nhân là những người về từ châu Á, còn giai đoạn hiện nay, các bệnh nhân nhiễm virus có nguồn gốc bắt đầu từ châu Âu chiếm đa số. Virus mà Việt Nam phân lập được trên ca bệnh Covid-19 về từ châu Âu có sự khác biệt với virus gây bệnh tại châu Á. Đây là phát hiện hoàn toàn theo xu hướng chung của thế giới.
Thảo Nguyên (TH)