Vitamin trong dầu Otran gần như bằng không khi nấu nóng

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, dầu ăn Otran cho hàm lượng vitamin và chất béo vào danh mục chỉ tiêu chất lượng là không cần thiết.  

 
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, dầu ăn công bố chỉ tiêu chất lượng thường phải là các yếu tố như hàm lượng axit béo tự do, chỉ số iod, cholesterol, axit béo cấu hình Trans, chất bảo quản, chất tạo màu... Còn hàm lượng vitamin và các chất béo như omega 3-6-9 là các thông tin dinh dưỡng để người sử dụng biết rõ. 
“Dầu ăn Otran cho thông tin dinh dưỡng như vitamin và chất béo vào chỉ tiêu chất lượng là yếu tố không cần thiết. Họ cho vào chỉ để “làm đẹp” cho chính sản phẩm. Hơn nữa, hàm lượng các chất này cũng rất thấp nên không có giá trị dinh dưỡng nhiều. Thậm chí, trong quá trình nấu, các chất này sẽ bị mất đi nên không còn tác dụng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.  
Tương tự, TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm (Viện công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, dù có chứa vitamin và các chất béo tốt cho sức khỏe nhưng dầu Otran khẳng định có thành phần bền vững nên thích hợp với các món chiên ở nhiệt độ cao và tạo ròn thì cần xem xét lại.  
Bởi, ở nhiệt độ cao, vitamin hay các chất béo omega đều bị phá hủy. Trong đó, vitamin E, là loại vitamin được đánh giá có nhiệt độ sôi cao nhất trong các vitamin với nhiệt độ khoảng 130 độ C, cũng đã bị biến đổi chất. Còn các vitamin khác như C, A có nhiệt độ sôi chỉ khoảng 70 độ C, với 160 độ sôi trở lên của dầu, các vitamin này đã không còn giá trị. Tương tự, omega cũng có nhiệt độ sôi dưới 100 độ C, nên khi dầu sôi omega không còn tác dụng.
“Dầu Otran quảng cáo vitamin E có trong đó giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác hại do độc tố môi trường và các gốc tự do gây ra, chống lại bệnh ung thư, làm mềm thành mạch máu, ngăn chặn tạo các mảng xơ vữa động mạch vành... là chưa chính xác. Bởi đây chỉ là dầu nguyên liệu. Vấn đề quan trọng là khi người dân sử dụng các chất này lại hoàn toàn khác. Đó mới là yếu tố cần thiết cho người tiêu dùng có thói quen xào nấu như ở Việt Nam”, TS Nguyễn Công Ngữ nhấn mạnh. 
Vân Đài