Trên thế giới này, mỗi giây, mỗi phút đều có hàng ngàn vạn câu chuyện xảy ra, có hay có dở, có tốt đẹp có xấu xa nhưng suy cho cùng, đằng sau mỗi câu chuyện cuối cùng đều ẩn chứa những bài học về tình người, tình cảm gia đình sâu sắc, thấm thía. Sau đây là một câu chuyện như vậy…
Tiểu Lệ và mẹ ruột trước giờ quan hệ không được tốt. Cha của cô qua đời từ rất sớm, mẹ cô ngậm đắng nuốt cay, chịu bao vất vả, một tay nuôi cô khôn lớn.
Mong ước lớn nhất của bà là con gái được gả cho một gia đình khá giả, sau này hai mẹ con cùng nhau sống những ngày tháng vui vẻ.
Mong muốn của mẹ cô là vậy nhưng Tiểu Lệ nghe xong rồi để đó, chỉ chú tâm vào việc của mình.
|
Ảnh minh họa. |
Khi đó, người mẹ tính khí nóng nảy, căn vặn cô rốt cục có hiểu nỗi khổ tâm của bà. Tiểu Lệ đành gật đầu qua quýt, bảo với mẹ rằng mình đã hiểu.
Mặc dù mẹ cô hay nổi nóng nhưng Tiểu Lệ chưa từng giận mẹ. Khi mẹ trách mắng, cô đều không mảy may cãi lại, dẫu vậy trong lòng vẫn đè nén nỗi buồn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Lệ đưa Chu Lễ, bạn trai từ khi học đại học về nhà ra mắt, mẹ cô vừa nghe Chu Lễ xuất thân từ nông thôn liền phản đối gay gắt, nổi trận lôi đình, thậm chí còn nói uổng công nuôi dạy Tiểu Lệ rồi đuổi Chu Lễ ra ngoài.
Thế nhưng cuối cùng Tiểu Lệ vẫn được gả cho Chu Lễ. Trong lòng cô hiểu rõ, mẹ mình tham phú phụ bần, cũng không thể thay đổi được suy nghĩ của mẹ, nên chỉ đành hy vọng lâu dần mẹ mình sẽ suy nghĩ thông suốt.
Nói về Chu Lễ, anh xuất phát điểm chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng lại là một người rất có tầm nhìn.
Chu Lễ mua lại một cửa tiệm nhỏ, may mắn thế nào, sau đó người ta bắt đầu xây sửa đường sắt và các tòa nhà xung quanh cửa tiệm. Trong chốc lát khu vực này trở nên nhộn nhịp, sầm uất, công việc kinh doanh của Chu Lễ cũng vì thế mà ngày một phát đạt.
Không lâu sau đó, hai vợ chồng đã nhanh chóng mua được nhà trong thành phố. Thế nhưng mẹ vợ của anh vẫn giữ thái độ trước sau như một. Cho dù bây giờ anh đã là người có tiền, mẹ vợ vẫn coi thường anh. Lần nào gặp mặt cũng đều nói khó nghe, khiến anh phải bỏ về trong tức tối.
Sự cố xảy ra với mẹ vợ
Có một khoảng thời gian, ngày nào Tiểu Lệ cũng về nhà mẹ đẻ. Công việc ở cửa hàng bận rộn không hết việc, Chu Lễ đành phải nhờ người tới giúp. Anh hỏi vợ có phải ở nhà đã xảy ra chuyện gì, Tiểu Lệ vẫn chỉ nói không có chuyện gì.
Nhưng một tuần trôi qua cô vẫn về nhà mẹ, Chu Lễ cảm thấy có gì đó không ổn, anh bèn lén đi theo vợ.
Đến nơi, anh lặng người khi chứng kiến cảnh vợ mình giặt quần áo ở giữa sân, còn mẹ vợ đang ngồi trên xe lăn mắng mỏ con gái nhưng Tiểu Lệ vẫn không hé nửa lời, vờ như không nghe thấy gì.
Đột nhiên Tiểu Lệ nhìn thấy chồng mình, ngay lập tức kéo anh sang một bên thì thầm: "Mấy ngày trước, mẹ em ngã gãy chân, nhưng vẫn ngang ngạnh không chịu báo em biết. Hàng xóm nhìn không đành lòng nên mới gọi điện cho em.
Nhưng mẹ trước nay luôn có thành kiến với anh, sợ mẹ gặp anh chắc sẽ lại mắng anh, nên em không nói lại cho anh biết. Nhưng dù gì đi nữa, em vẫn phải về chăm sóc mẹ. Mẹ vẫn là mẹ của em, cho dù mẹ có mắng em ra sao thì em vẫn phải chăm sóc mẹ."
Chu Lễ nghe vợ nói xong, trong lòng cảm thấy hổ thẹn vì bản thân đã có ý nghi ngờ vợ. Tiểu Lệ là một cô gái tốt như vậy mà anh lại không tin tưởng cô.
Anh liền lấy ra một tấm thẻ ngân hàng, đưa cho vợ nói: "Trong này có 20,000 tệ (khoảng 70 triệu VND) em cầm lấy mua thuốc bổ cho mẹ.
Em cũng đừng làm quá sức, có việc gì thì gọi điện cho anh."
Có thể mẹ của Tiểu Lệ sẽ không bao giờ đối xử tốt với con rể nhưng cho dù như thế nào, họ vẫn gạt bỏ mọi hiềm khích, làm tròn bổn phận của người con dốc lòng báo hiếu mẹ già.
Đó quả thực là một câu chuyện đẹp, một phép màu giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Theo Khánh An/Pháp luật & Bạn đọc